Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, sau 4 tháng thực hiện mới chỉ có 3 hồ sơ được giải ngân. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, tín dụng “chảy tới” ngư dân quá chậm là do quy trình phê duyệt hồ sơ ở địa phương còn nhiều vướng mắc.
Giải ngân vốn chậm
Nghị định 67 của Chính phủ có hiệu lực 25/8/2014, được coi là chính sách có quy mô lớn để hỗ trợ phát triển thủy sản, đặc biệt là đối với hoạt động đánh bắt xa bờ nhằm tạo sinh kế bền vững cho ngư dân của 28 tỉnh thành cả nước. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói: “Chính sách đã có, không thể để ngư dân, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, vướng ở đâu phải tìm biện pháp tháo gỡ ngay ở đó. Ngành ngân hàng luôn chủ động, tích cực để triển khai Nghị định 67, lắng nghe, giải đáp và có phương án hỗ trợ kịp thời để ngư dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận vốn để góp phần giúp ngư dân vươn khơi bám biển, gia tăng giá trị nguồn lợi và phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia”.
Ngư dân tỉnh Quảng Nam đóng mới tàu thuyền công suất lớn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung- TTXVN |
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), hệ thống ngân hàng cam kết đảm bảo đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của bà con ngư dân đóng mới trên 2.000 tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) và đặc biệt là các NHTM Nhà nước đã xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn thực hiện chính sách cho vay, riêng 5 NHTM đã cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay chương trình này. “Các NHTM đã cử các tổ công tác trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn để hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn trực tiếp, hạn chế tối đa việc vay vốn đóng tàu thông qua môi giới tín dụng; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản hồi kịp thời những thắc mắc của người dân, xử lý nghiêm minh những cán bộ ngân hàng vi phạm quy định”, ông Đông nhấn mạnh.
Tuy nhiên sau 4 tháng triển khai, mặc dù nguồn tiền đã sẵn sàng, nhưng ngư dân thì vẫn chưa thể sớm tiếp cận với tín dụng. Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN nói: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phân bổ cho 28 tỉnh, thành phố được hỗ trợ vốn đóng 2.200 chiếc tàu, nhưng lượng tàu ngư dân đăng ký xin đóng lại nhiều hơn. Vì vậy, một số nơi đang lúng túng khi lựa chọn hộ ngư dân được vốn vay để đưa vào danh sách phê duyệt. Đây cũng là lý do mà đến nay 20/28 tỉnh thành chưa đưa ra danh sách phê duyệt”.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo 67 Quảng Ngãi mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Phạm Trường Thọ cho biết: Tỉnh đã phê duyệt danh sách hộ ngư dân đợt 1 được vay vốn gồm 40 tàu trong đó, mới giải ngân được 2 trường hợp. Từ nay đến hết tháng 12/2014 sẽ cố gắng để giải ngân thêm 1- 2 trường hợp nữa. Theo ông Thọ, vướng mắc lớn nhất hiện nay là do các thiết kế mẫu tàu được phê duyệt quá chậm. “Phải đến cuối tháng 11/2014, Bộ NN&PTNT mới duyệt 21 mẫu tàu vỏ thép. Nhưng cả 21 mẫu tàu của Bộ đưa ra ngư dân đều không chấp nhận và yêu cầu cần chỉnh sửa rất nhiều. Có những mẫu phải thiết kế lại theo ngành nghề, ngư trường và kinh nghiệm đánh bắt của từng hộ”, ông Thọ nói.
Theo phản ánh của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, không chỉ mòn mỏi chờ đợi mẫu tàu mà thời gian, thủ tục xét duyệt hồ sơ khá rườm rà khiến việc phê duyệt danh sách ngư dân đóng tàu mất rất nhiều thời gian. Danh sách phải được rà soát đề xuất từ cấp xã, rồi lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh họp tổ tư vấn giúp việc. Sau đó mới trình lên Trưởng ban Chỉ đạo Nghị định 67 chọn. Theo NHNN, đến nay, trong số 28 tỉnh, thành phố có đối tượng vay vốn theo Nghị định 67, mới chỉ có 8 địa phương gửi danh sách và 40 bộ hồ sơ được duyệt vay. Trong số này đã có hai hồ sơ được ký hợp đồng tín dụng trị giá trên 22 tỷ đồng.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Theo người đứng đầu NHNN, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, hiểu được mục đích của chương trình. Các tỉnh đã thành lập ra Ban chỉ đạo Nghị định 67, việc này hết sức quan trọng, thể hiện sự hưởng ứng vào cuộc của các cấp. “Chương trình này thành công hay không phụ thuộc nhiều vào chính quyền địa phương. Nếu chính quyền địa phương có trách nhiệm về sự phát triển của nghề đánh bắt thủy hải sản trong tương lai, thì chương trình này mới thành công”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Theo ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, cần phải giải quyết hai vấn đề lớn: Thứ nhất, cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ “bốn bên” gồm: Ngư dân, hiệp hội nghề cá; các bộ ngành; chính quyền địa phương; ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm. Ông Thành cho rằng: Nếu không có sự phối hợp, thống nhất quan điểm, có thể dẫn đến tình trạng có khoảng cách không nhỏ giữa các tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng và tiêu chí xét duyệt của các cơ quan Nhà nước. Điều này sẽ khiến các NHTM mất thêm thời gian để thẩm định lại hồ sơ vay, kéo dài thời gian đưa vốn đến với ngư dân.
Để đẩy nhanh tiến độ cho vay theo Nghị định 67, đại diện Ngân hàng BIDV đã đưa ra một số kiến nghị: Chính phủ cần ban hành một chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hiệp hội ngành phối hợp chặt chẽ để triển khai. Song song với đó là cơ chế thực hiện theo hướng NHTM tham gia cùng địa phương từ khâu xây dựng tiêu chí, rà soát hồ sơ, thẩm định hồ sơ; bộ, địa phương, hiệp hội nghề kết hợp với ngân hàng theo dõi, giám sát khoản vay.
Còn phía NHNN, cần nghiên cứu cung cấp chính sách bảo lãnh tín dụng 100% đối với các khoản vay thuộc chương trình này; chỉ đạo NHTM bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế theo dõi giám sát khoản vay riêng đối với cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo hướng đảm bảo quá trình sử dụng tiền vay và trả nợ của ngư dân.
Minh Phương