Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là cao tốc trục ngang Đông Nam Bộ, dài gần 54 km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai (hơn 34 km), Bà Rịa - Vũng Tàu (khoảng 19,5 km), có tổng mức đầu tư gần 17.800 tỷ đồng. Giai đoạn I, dự án được đầu tư theo quy mô đường cao tốc, thiết kế từ 4 - 6 làn xe (tùy từng đoạn), vận tốc tối đa 100 km/giờ. Điểm đầu dự án giao với tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), điểm cuối giao với Quốc lộ 56 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 dài 16 km, có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; dự án thành phần 2 dài hơn 18 km, có tổng mức đầu tư được duyệt hơn 6.850 tỷ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km, có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Dự án khởi công tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025, đầu năm 2026.
Video cận cảnh công trường thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu:
Ông Đinh Lê Thông, Giám đốc Điều hành thi công dự án thành phần 2 (Ban Quản lý dự án 85 - Bộ GTVT) cho biết, dự án được chia thành 2 gói thầu xây lắp 9-XL, 10-XL. Đến cuối tháng 11/2023, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị và triển khai thi công. Tuy nhiên, do mặt bằng nhận được còn hạn chế (23/177 ha), nên các nhà thầu trên công trường dự án mới đang tập trung thi công các hạng mục cọc khoan nhồi, hầm chui, nền đường... trong phạm vi mặt bằng đã được bàn giao và tiến hành đúc dầm, cấu kiện tại các vị trí được địa phương và người dân cho thuê, mượn mặt bằng.
Để đảm bảo tiến độ thi công, Ban Quản lý dự án 85 đã đề xuất Bộ GTVT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai ngoài việc sớm bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) diện tích phải thu hồi còn lại khoảng 170 ha gồm diện tích rừng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở và đất công... để bàn giao chủ đầu tư, cần sớm di dời 72 vị trí hạ tầng kỹ thuật điện cao thế 500KV, 220KV, 110KV, đường ống cấp nước và viễn thông trên tuyến cao tốc...
Năm 2023, vốn bố trí cho dự án thành phần 2 của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là 1.258 tỷ đồng từ nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án 85 đã giải ngân được hơn 415 tỷ đồng, đạt gần 33% sản lượng.
Còn theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), đến trung tuần tháng 11/2023, trong tổng số gần 138 ha diện tích cần thu hồi phục vụ thi công dự án thành phần 1, các địa phương có dự án đi qua mới đang kiểm đếm, chưa bàn giao mặt bằng. Dự án thành phần 1 cũng được chia thành 2 gói thầu xây lắp: XL01 (Km 0+000 - Km 6+200) hiện chưa lựa chọn nhà thầu, XL02 (Km 6+200 - Km 16+00) đã lựa chọn xong nhà thầu, nhưng chưa thể thi công.
Khả quan nhất là dự án thành phần 3, trong tổng diện tích thu hồi khoảng hơn 137 ha, địa phương hiện đã bàn giao hơn 132 ha để các nhà thầu thi công, đạt hơn 96%. Các nhà thầu đang tập trung thi công các cầu chính tuyến, cào bóc hữu cơ nền đường, hoàn chỉnh đường công vụ...
Về vật liệu san lấp phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I, theo tính toán của Bộ GTVT, tổng khối lượng đá cần cho dự án khoảng 1,89 triệu m3; tổng khối lượng cát khoảng 0,87 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 6,4 triệu m3. Hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của tư vấn, trữ lượng, nguồn cung cấp vật liệu hiện nay đủ cho nhu cầu các dự án thành phần; trong đó, đá các loại gồm 14 mỏ thương mại và một vị trí quy hoạch, tổng trữ lượng khoảng 140 triệu m3. Cát các loại gồm một mỏ cát tự nhiên, một mỏ cát xay và một số bãi tập kết cát với tổng trữ lượng ước khoảng 9,2 triệu m3. Đất đắp nền đường gồm 5 mỏ đang khai thác, một mỏ đang thực hiện thủ tục khai thác, 3 vị trí quy hoạch làm mỏ đất đắp, tổng trữ lượng khoảng hơn 33 triệu m3...
Mặc dù các loại vật liệu san lấp gốm cát, đất, đá trữ lượng đủ đáp ứng nhu cầu cho toàn dự án, nhưng theo Bộ GTVT, trong khu vực dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang có các dự án lớn khác như Dự án Sân bay quốc tế Long Thành, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh... đang đồng loạt triển khai cùng thời gian, nên ở giai đoạn này, nguồn vật liệu cung cấp cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công...
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Dự kiến, sau khi hoàn thành dự án, thời gian chạy xe từ TP Hồ Chí Minh đến Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn chỉ còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay; đồng thời, trục cao tốc này sẽ phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng Đông Nam Bộ.