Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào của hội, đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển mọi mặt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Chú thích ảnh
Các thiếu nữ Ba Na trong ngày hội.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua

Xóm Nạ Tẩm nằm ở phía Bắc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với 127 hộ dân, gồm 512 nhân khẩu cùng nhau sinh sống. Trong đó, có trên 90% là đồng bào dân tộc San Chí.

Phát huy truyền thống cách mạng của vùng Thủ đô kháng chiến ATK Định Hóa, trong những năm qua, nhân dân xóm Nạ Tẩm luôn đoàn kết, tích cực thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Cả xóm hiện đã có 60% số hộ có nhà ở bán kiên cố, 100% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt, số hộ có kinh tế khá chiếm trên 65%, hộ nghèo trong xóm hiện còn 15 hộ, giảm 4 hộ so với năm trước, 93,7% số hộ trong xóm đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa... Đặc biệt, các phong trào bảo vệ môi trường, đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội… luôn được bà con trong xóm hưởng ứng nhiệt tình.

Thực hiện phong trào thi đua, từ đầu năm 2020, xóm Nạ Tẩm tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Nâng cao thu nhập, tăng hộ khá, giảm hộ nghèo, tiếp tục phát huy các phong tục, tập quán truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với nâng cao các hoạt động tinh thần cho người dân.  

TS Mai Bắc Mỹ, Trưởng Ban đối ngoại và hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Nhờ có sự quan tâm của Nhà nước, 5.468 xã vùng DTTS&MN (chiếm 49% tổng số xã toàn quốc) đã được đầu tư các kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội; 97,2% số thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, gần 90% số thôn có đường giao thông đến trung tâm xã, 99,5% xã có trạm y tế; 320 trường phổ thông dân tộc nội trú và 1.134 trường phổ thông dân tộc bán trú, 4 trường dự bị đại học và 3 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học.

Các giá trị văn hóa tinh thần, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc được giữ gìn và phát huy. Các kết cấu hạ tầng đó trở thành điều kiện thuận lợi cho nông dân các DTTS phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, làm cho tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm xuống còn 35,5%, phương thức canh tác nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học ngày càng được mở rộng đem lại hiệu quả thu nhập ngày càng cao, tập quán chỉ dựa vào rừng tự nhiên để hái lượm và săn bắt đã giảm hẳn.

Theo TS Mai Bắc Mỹ, được sự quan tâm của cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội và hội nông dân ở vùng DTTS được củng cố và thực hiện tốt vai trò của mình. Quốc phòng, an ninh được tăng cuờng, chính trị - xã hội ổn định, đồng bào dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”

Tuy đại bộ phận bà con vùng nông thôn DTTS đã chuyển sang loại hình sản xuất kinh tế, biết trồng trọt và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, song phát triển không đồng đều, còn có sự chênh lệch lệch lớn giữa các dân tộc; trong đó nhóm hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm tỷ lệ cao.

Có một bộ phận đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; cá biệt có bộ phận đồng bào mất rừng tự nhiên và sông suối, đồng nghĩa với đó là mất nguồn sống và sinh kế do biến đổi khí hậu và con người gây nên.

Để từng bước khắc phục được những hạn chế trên, TS Mai Bắc Mỹ cho rằng: Thực chất vấn đề dân tộc và công tác dân tộc ở vùng DTTS hiện nay là vấn đề nông dân và công tác nông vận. Cho nên các cấp ủy và tổ chức Đảng phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho bà con.

Thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỗ nhau cùng phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị... Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc, nhất là những biểu hiện sai lầm về tư tưởng dân tộc lớn hay tư tưởng dân tộc hẹp hòi.

Trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cần coi trọng đầu tư phát triển toàn diện theo hướng bền vững và nghiên cứu ban hành chính sách huy động các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế xanh vùng DTTS&MN. Cần có chính sách đặc thù về huy động nguồn lực tài chính nhà nước cho phát triển kinh tế xanh, về huy động nguồn lực tài chính từ xã hội và về phân bổ vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho phát triển kinh tế - xã hội để phát triển nền kinh tế nâng cao đời sống định canh định cư bền vững và công bằng xã hội.

Giảm thiểu những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái nhằm chuyển đổi mô hình kinh tế “nâu” sang mô hình kinh tế “xanh” theo “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho rằng, trước thực tế diện tích đất ở, đất sản xuất, đất phục vụ cộng đồng vùng DTTS tại địa phương ở nhiều nơi đã và đang bị thu hẹp dần, đe dọa mất đơn vị thôn, bản, tức là mất văn hóa.

Tình trạng tranh chấp và khiếu kiện đất đai vẫn diễn ra, gây tâm tư và băn khoăn lo lắng trong một bộ phận đồng bào DTTS, tạo cớ cho các thế lực phản động xuyên tạc chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Cho nên rất cần tập trung xây dựng hoàn thành hệ thống chính sách dân tộc một cách đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống chính trị và cán bộ, đảm bảo phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của từng vùng.

Bên cạnh đó, đại bộ phận người lao động ở nông thôn vùng DTTS chưa được đào tạo nghề nông, lâm, thủy sản, thiếu kiến thức và kỹ năng sản xuất hàng hóa, thiếu thông tin thị trường và thiếu hạ tầng thiết yếu, đồng nghĩa với trì trệ và khó khăn kéo dài.

Do vậy, việc xây dựng “Đề án đào tạo nghề cho lao động DTTS và vùng nông thôn miền núi đến năm 2030” gắn với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại và giảm nghèo bền vững”, TS Mai Bắc Mỹ đề xuất. TS Mai Bắc Mỹ cũng cho rằng, các DTTS có số lượng cán bộ rất ít trong hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, không tương xứng với tỷ lệ dân số của mỗi dân tộc trong tổng số dân số trên cả nước.

Người DTTS vẫn ít có cơ hội được tuyển dụng vào làm việc và sử dụng trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. “Vì vậy, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ có nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS”, TS Mai Bắc Mỹ đề nghị.

"Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chính phủ cũng đã xây dựng Nghị quyết số 12 để triển khai. Đây là nghị quyết mang dấu ấn lịch sử. Có thể nói, đây là một quyết sách thể hiện ý Đảng, lòng dân" (Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình)
Bài và ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức
Thừa Thiên - Huế tuyên dương 150 điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Thừa Thiên - Huế tuyên dương 150 điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Ngày 2/12, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN