Đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0

Nền kinh tế Việt Nam muốn đón đầu cơ hội và giải quyết các thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cần sớm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển toàn diện hơn và hội nhập sâu rộng hơn.

Đây là đề xuất của các đại biểu tại hội nghị đầu tư 2018 có chủ đề “Kinh tế 4.0: Từ tiến hóa đến Cách mạng” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức ngày 2/11, tại TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, bộ máy quản lý hành chính cồng kềnh đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay nền kinh tế Việt Nam còn tái cơ cấu chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế không ổn định và thường tăng theo từng quý. Theo đó, quý I tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường chậm, thậm chí giảm nhưng đến quý III và IV tốc độ kinh tế lại tăng nhanh chóng để hoàn thành các chỉ tiêu của năm đó. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nhiều vướng mắc liên quan đến các thủ tục hành chính. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chậm cải thiện cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mô hình sản xuất và kinh doanh của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tương lai không xa. Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nước ta trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, vẫn có những sức ép và tác động tiêu cực như: sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất kinh doanh, dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước…

Chú thích ảnh
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ thông tin để biết ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, đã đến lúc cần cải cách bộ máy hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Cụ thể, chú trọng các giải pháp như xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế theo hướng rà soát, lồng ghép các nội dung; tăng cường năng lực tiếp cận của cán bộ hành chính bằng việc ứng dụng các thành quả công nghệ 4.0 vào công việc. Ngược lại, phía doanh nghiệp khi gặp vướng mắc về các thủ tục hành chính cũng cần kiến nghị, đóng góp cho nhà quản lý để các nhà quản lý chấn chỉnh, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu và chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, hướng đi của các doanh nghiệp trong thời kì kinh tế mới là chọn tăng trưởng bền vững hay bứt phá ngoạn mục để đưa doanh nghiệp đến tầm vóc vượt trội về quy mô và hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ các bài học kinh nghiệm đến từ nhà đầu tư lớn của Trung Quốc cho hành trang “tiến hóa” hay “cách mạng” trong công nghệ ở quy mô toàn cầu. Từ đó, các doanh nghiệp Việt có nguồn cảm hướng cao và hướng đi rõ ràng trên con đường hội nhập kinh tế thế giới và ứng dụng tốt công nghệ 4.0 vào kinh doanh, sản xuất.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tìm cơ chế phù hợp quản lý doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ 4.0
Tìm cơ chế phù hợp quản lý doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ 4.0

Hiện nay, các mô hình số hóa đang tạo ra những dịch vụ có ích cho doanh nghiệp và cho người dân. Tuy nhiên, do các mô hình số hóa còn quá mới nên các ngành chức năng không theo kịp để có cơ chế quản lý phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN