Dịch vụ công trực tuyến
Đầu năm 2015, Cục ĐTNĐ Việt Nam dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với ba thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu toàn ngành Giao thông hướng đến sự hài lòng hơn của doanh nghiệp và người dân, hết năm 2015, Cục đã đưa 25 thủ tục hành chính lên mạng trực tuyến, kịp thời vận hành ngay từ đầu năm 2016.
Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết: 25 thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đăng ký hoạt động vận tải thủy nội địa nhanh chóng, thuận tiện. Trong đó, có 4 thủ tục được tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế Cổng thông tin điện tử quốc gia tại địa chỉ www.vnsw.gov.vn và 21 thủ tục được thực hiện qua Cổng thông tin của Bộ GTVT tại địa chỉ www.mt.gov.vn. Ngoài 25 thủ tục được giải quyết trực tuyến, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT các địa phương phối hợp với Cục triển khai cung cấp 35 thủ tục trực tuyến trong lĩnh vực ĐTNĐ thuộc thẩm quyền địa phương.
"Nhìn lại bối cảnh những năm qua, ngành ĐTNĐ luôn bị xem là “chậm chạp” trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thì việc cùng lúc có 25 thủ tục hành chính được "số hóa" phục vụ doanh nghiệp và người dân trong năm 2015 là sự bứt phá đáng ghi nhận", ông Giang đánh giá.
Trước khi trực tuyến hóa 25 thủ tục hành chính, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng ưu tiên cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, gắn kết quả cải cách hành chính vào nội dung bình xét thi đua, khen thưởng cuối năm. Qua rà soát 88 thủ tục hành chính, đến nay, ngành ĐTNĐ đã đưa ra khỏi danh mục 13 thủ tục hành chính, gộp 33 thủ tục vào còn 12 thủ tục; sửa đổi thành phần hồ sơ, trình tự của 38 thủ tục phù hợp, giảm thời gian giải quyết 7 thủ tục, phân cấp địa phương 3 thủ tục… Việc phổ biến thông tin về quy trình thực hiện thủ tục hành chính được Cục ĐTNĐ Việt Nam đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, từ niêm yết công khai tại các trụ sở cơ quan, đơn vị đến đăng tải trên cổng thông tin điện tử, hướng dẫn qua đường dây nóng, tiếp xúc trực tiếp doanh nghiệp, người dân.
Qua tìm hiểu thực tế, trong số các thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến, có bốn thủ tục liên quan đến phương tiện, vận tải nước ngoài và được thực hiện theo cơ chế một cửa quốc gia. Đó là cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 3 đối với thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy phép vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia; thủ tục tàu biển vào, rời cảng thủy nội địa tiếp nhận tàu nước ngoài. Với phương thức mới này, từ nay các doanh nghiệp, thuyền trưởng, dù ở nơi nào cũng chỉ cần thao tác qua máy tính trong vòng vài phút là có thể đăng ký và nhận giấy phép.
Ông Hoàng Minh Thái, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và thuyền viên (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết: Trước đây người dân phải in mẫu hồ sơ, thủ tục trên mạng, đến nộp và chờ lấy kết quả tại cơ quan cấp phép. Song, hiện nay, các thủ tục liên quan đến quản lý phương tiện thủy và thuyền viên được tiếp nhận và giải quyết qua mạng internet. Nhờ vậy, doanh nghiệp và người dân chỉ cần gửi qua mạng và chỉ cần một lần đến để nộp phí, sau đó nhận kết quả. Các quy trình thủ tục hành chính sẽ được hệ thống hóa tự động trên máy tính giữa cá nhân, tổ chức với cơ quan chức năng và thời gian trả kết quả chỉ từ 1 - 2 ngày, bằng nửa thời gian so với trước đây.
Không còn tình trạng quá tải
“Với mục tiêu siết chặt quản lý hoạt động vận tải thủy nội địa theo đúng Luật Giao thông ĐTNĐ (sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ 1/1/2015), góp phần tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng và năng lực vận tải thủy, Cục ĐTND Việt Nam đã hiện đại hóa bộ máy và năng động hóa chuyên môn của cán bộ công nhân viên, từ lãnh đạo đến nhân viên đều cố gắng hoàn thành công việc trước hoặc đúng hạn”, ông Giang cho hay.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Giang cho biết, thông qua phần mềm quản trị văn phòng điện tử với việc tự động thống kê hoàn thành công việc của tất cả các bộ phận, từ lãnh đạo đến phòng, ban, cá nhân, hiện nay, ngay cả các đơn vị trực thuộc, dù ở xa cũng được kiểm soát thông qua hệ thống báo cáo công việc trực tuyến. Điều này, tạo áp lực cho toàn bộ máy, nhưng lại giải quyết được khối lượng lớn công việc đúng hoặc vượt tiến độ.
Mặt khác, qua tìm hiểu thực tế, việc quản lý tải trọng phương tiện thủy tại các cảng, bến thủy nội địa đã được cấp phép hoạt động hiện nay đều chặt chẽ hơn, nhất là trong vấn đề tải trọng phương tiện. Ở nhiều cảng, bến lớn tại khu vực Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… hầu như không có phương tiện rời cảng, bến trong trạng thái quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá tải.
Ông Đặng Xuân Thủy, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I cho biết: Năm 2015, số trường hợp vi phạm luật bị xử lý tăng hơn 100% và cơ bản không còn phương tiện rời cảng bến (có phép) trong tình trạng quá tải. Việc gắn trách nhiệm quản lý phương tiện vận tải thủy với vị trí của người chỉ huy cảng vụ đã tạo sự thay đổi về ý thức trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ. Hoạt động cảng vụ đường thủy đang có sự đổi mới, từ biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, đến phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, đồng thời cùng chung tay giải quyết cảng, bến hoạt động không phép để tạo sự công bằng trong vận tải.