Đầu tư xây dựng mã số vùng cho cây trồng chủ lực

Nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp trong tỉnh Hà Nam đã tích cực hướng dẫn và hỗ trợ nông dân, các chủ hộ sản xuất đầu tư xây dựng mã số vùng trồng cho một số loại cây trồng chủ lực.

Chú thích ảnh
Vùng trồng nho của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du, xã Đồng Du (Bình Lục, Hà Nam).

Sản phẩm nho của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du, xã Đồng Du, huyện Bình Lục được cấp mã số vùng trồng năm 2022. Để được cấp mã số vùng trồng, ngay từ khi triển khai mô hình, hợp tác xã đã chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.

Về sản xuất, hợp tác xã ứng dụng canh tác “4 không” gồm không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, không giống biến đổi gen, không chất kích thích. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật phủ bạt 2/3 luống, chỉ để hở 1/3 khoảng trống xung quanh gốc, giúp giảm được 80% lượng cỏ.

Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ vào canh tác. Hợp tác xã đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng và mái che để bảo vệ cho cây trồng trước thời tiết và côn trùng gây hại; áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, thiết kế giàn leo chắc chắn, qua đó góp phần giảm công lao động và tiết kiệm nước.

Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du cho biết, hơn 2 ha trồng nho của hợp tác xã cho thu hoạch khoảng 15-16 tấn/năm. Từ khi được cấp mã số vùng trồng, việc tiêu thụ sản phẩm nho đã thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Hiện nay, sản phẩm nho của hợp tác xã đã có mặt tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận.
Một năm, vườn nho cho thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ thu lãi hơn 500 triệu đồng.

Để mô hình trồng nho phát triển bền vững, hợp tác xã mong muốn các cấp, ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, có cơ chế hỗ trợ xây dựng kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất.

Hơn 3 ha sản xuất rau của nông trại Happy Farm, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên được cấp mã số vùng trồng năm 2022. Khi diện tích rau của Nông trại được cấp mã số vùng trồng và đưa lên hệ thống thương mại điện tử được người tiêu dùng khắp nơi trong cả nước biết đến. Quan trọng hơn, sản phẩm được giới thiệu đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất và có tem nhãn. Từ đó, các sản phẩm rau của nông trại đã mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Phóng, chủ nông trại Happy Farm cho biết, được cấp mã số vùng trồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông trại quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bởi thông qua mã số vùng trồng, khách hàng dễ dàng nắm bắt được thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của nông trại thuận lợi hơn. Trung bình mỗi tháng, nông trại xuất bán hơn 6 tấn rau, củ các loại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các chuỗi cửa hàng nông sản sạch tại thủ đô Hà Nội.

Chú thích ảnh
Thu hoạch rau tại nông trại Happy Farm, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên (Hà Nam).

Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam, đến nay, tỉnh Hà Nam đã cấp được 26 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 128 ha; trong đó, có 10 vùng trồng lúa, 7 vùng cây ăn quả, 5 vùng rau quả tươi, 3 vùng ngô và 1 vùng cây hàng năm.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam cho biết, mã số vùng trồng có thể xem là “chìa khóa” trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng uy tín nông sản của Hà Nam trên thị trường. Để được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất cần bảo đảm các yêu cầu như bảo đảm có quy trình kiểm soát được sinh vật gây hại ở mức độ thấp và được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, vùng trồng phải được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước thời điểm thu hoạch; vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất…

Hiện nay, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam đang tiếp tục bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các trình tự, thủ tục cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói của các tổ chức, cá nhân để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện đúng theo quy định để những sản phẩm nông sản từ các vùng đã được cấp mã số luôn đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Việc cấp mã số vùng trồng cũng là điều kiện để các địa phương hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu. Vì vậy, địa phương cần có kế hoạch tuyên truyền phổ biến cho người dân nắm rõ được tầm quan trọng của việc cấp, duy trì mã số vùng trồng; xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất bán của thị trường trong nước và từng bước hướng đến xuất khẩu.

Tin, ảnh: Nguyễn Chinh (TTXVN)
Bắc Giang cấp mới 43 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu
Bắc Giang cấp mới 43 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 43 mã số vùng trồng cho vải thiều Bắc Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN