Đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho miền Nam

Để đảm bảo cấp điện cho khách hàng trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam và nâng cao hiệu quả hoạt động cho cả giai đoạn 2016 - 2020, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang phải đương đầu với nhiều thách thức.

Công nhân Điện lực Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bảo trì, cải tạo lưới điện trên đảo. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Cụ thể như nguồn điện phía Nam thiếu và chưa ổn định, dự phòng công suất ở mức thấp nên tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung cầu tại một số thời điểm trong năm. Trong khi đó, một số khu vực như Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An, lưới điện đang hoạt động trong tình trạng đầy tải cần phải đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành các trạm biến áp 220kV Cần Thơ, Tây Ninh….

Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho biết, công tác giải phóng mặt bằng các công trình đầu tư xây dựng khó khăn chưa tìm ra giải pháp tích cực hơn ngoài việc lệ thuộc hết sức lớn từ địa phương, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Mặt khác, việc cân đối vốn đầu tư và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cũng là một khó khăn lớn đối với Tổng công ty. Đặc biệt là vốn đầu tư cấp điện cho các xã đảo, cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo theo Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ; các công trình cấp điện cho nông thôn mới; các công trình cấp điện cho các trạm bơm, tưới tiêu, chống úng; các công trình cấp điện cho vùng lõm chưa có điện….

Đặc biệt, Chương trình cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định 2081 của Chính phủ (Chương trình 2081) đang thiếu vốn trầm trọng. EVNSPC đang quản lý việc cung cấp điện cho 21 tỉnh, thành phố phía Nam thì có 13 tỉnh nằm trong Chương trình này. Riêng năm 2017, mới có hai tỉnh là Hậu Giang và Cà Mau được cấp thêm 40 tỷ đồng từ Chương trình.

Để đảm bảo cung cấp điện ổn định theo nhu cầu của khách hàng, địa phương; phục vụ các sự kiện chính trị -xã hội và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn trong điều kiện thiếu vốn đầu tư, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang tập trung triển khai nhiều giải pháp trong quản lý và vận hành.

Mục tiêu là Tổng công ty quản lý với chất lượng cao; Giảm thời gian ngừng cung cấp điện và cấp điện theo đúng thời gian thông báo; Thực hiện tốt chỉ số tiếp cận điện năng và cấp điện mới, còn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Theo đó, ngay trong Quý I/2017, Tổng công ty yêu cầu c ác C ông ty điện lực chủ động phối hợp với Sở Công thương lập, trình UBND tỉnh/thành phố phê duyệt kế hoạch cung cấp điện năm và hàng tháng của đơn vị, thành lập mới hoặc duy trì Ban chỉ đạo điều hành cung cấp điện tại địa phương. Bên cạnh đó, duy trì chế độ họp Ban chỉ đạo điều hành cung cấp điện qua hội nghị truyền hình hàng tuần để phân tích và tháo gỡ những vấn đề phát sinh.

Cũng trong Quý I này, Tổng công ty yêu cầu các Ban quản lý và các đơn vị thi công xây dựng và triển khai thực hiện quy định “Quản lý hoạt động cấp điện trong thi công, sửa chữa công trình điện” kết hợp xây dựng phần mềm quản lý và các điều kiện ràng buộc về thời gian cắt điện thi công áp dụng đối với đơn vị quản lý vận hành.

Các Công ty điện lực cũng tổ chức xét duyệt phương án thi công công trình điện trên cơ sở phối hợp giữa các đơn vị thi công và đơn vị quản lý vận hành để giảm thời gian mất điện và đảm bảo tiến độ công trình. Thí điểm tiến tới triển khai mở rộng về tiêu chí số lần sửa chữa điện/số khách hàng quản lý đối với khu vực lưới hạ thế.

Cùng với đó, các Công ty điện lực tập trung khắc phục tình trạng đầy tải, quá tải đường dây và trạm biến áp nhất là các trạm biến áp 110kV; Ưu tiên bố trí vốn thực hiện các công trình chống quá tải, đầy tải, giảm tổn thất điện năng và giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng điện khu vực nuôi tôm theo quy hoạch. Đồng thời sử dụng hiệu qủa nguồn vốn ngân sách thuộc Chương trình 2081 để mở rộng phạm vi cấp điện an toàn ổn định ở khu vực nông thôn.

Đường dây 110kV vượt biển quy mô lớn nhất Việt Nam, lần đầu tiên được thực hiện tại Kiên Giang. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Trong năm, Tổng công ty sẽ tập trung đầu tư nâng cấp sửa chữa lưới điện theo mục tiêu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện có phân khúc đối với khu vực thành thị, khu vực tập trung sản xuất, dịch vụ phải có chỉ số độ tin cậy cao hơn trung bình. Đồng thời, từ tháng 10/2017, hoàn thành trang bị, đào tạo và đưa vào vận hành các đội sửa chữa lưới điện Hotline tại 14 tỉnh/thành phố.

Tổng công ty cũng yêu cầu các Công ty điện lực đảm bảo vật tư thiết bị dự phòng và lực lượng trực vận hành sửa chữa điện ở từng đơn vị đến cấp Điện lực/Tổ điện. Đa dạng hóa các hình thức thông báo ngừng giảm cung cấp điện như: Ký hợp đồng với Đài truyền thanh hình thức thông báo khẩn trong trường hợp xảy ra sự cố, ngừng cung cấp điện đột xuất với mục tiêu: Đóng, cắt, trả điện đúng thời gian thông báo.

Cùng với đó, giao Giám đốc Công ty Điện lực phối hợp với Sở Công Thương báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố về kết quả thực hiện chỉ số tiếp cận điện năng tại địa phương. Từ đó, đề xuất cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp điện trung áp theo hướng “Một cửa liên thông”, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép của các cơ quan Quản lý nhà nước, bổ sung vào nhiệm vụ của Ban chỉ đạo điều hành cung cấp điện của tỉnh/thành phố để nâng cao hiệu quả tác động của ngành điện về rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng, sẵn sàng cung cấp điện theo yêu cầu của khách hàng.

Riêng trong quý II/2017, Tổng công ty sẽ thí điểm 3 Công ty Điện lực tại Ninh Thuận, Long An và Sóc Trăng kết nối liên thông với Cổng thông tin điện tử địa phương để tham gia giám sát tình trạng giải quyết thủ tục liên quan đến cấp điện của các ban, ngành trong tỉnh đối với thực hiện chỉ số tiếp cận điện năng và mở rộng đến các Công ty điện lực khác sau khi thí điểm thành công.

Năm nay, Tổng công ty tiếp tục triển khai nhanh, đồng bộ chương trình tiết kiệm điện bằng các biện pháp cụ thể tại các đơn vị như tổ chức các sự kiện: “Ngày hội Tiết kiệm điện”, “Giờ Trái đất”; Duy trì liên tục công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng bá thiết bị có dán nhãn năng lượng để nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong cộng đồng .

Từ tháng 3/2017, Tổng công ty triển khai kế hoạch xóa dần hình thức câu phụ điện với chỉ tiêu khoảng 50.000 - 70.000 hộ trong năm 2017. Hay triển khai đầu tư các dự án điện sử dụng năng lượng mặt trời khu vực huyện đảo không kết nối lưới điện quốc gia như Côn Đảo, Phú Quý; Tiếp tục thực hiện dự án tiết kiệm điện khu vực nuôi tôm tại các tỉnh ven biển và chiếu sáng trồng hoa tại Lâm Đồng.

Hiện Tổng công ty đã giao chỉ tiêu cho các đơn vị chuyển dần để thay thế sử dụng đèn LED tiết kiệm điện và các thiết bị dán nhãn năng lượng; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo hình thức Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO).

Mặt khác, phối hợp với địa phương, xác định danh sách các xã thuộc chương trình nông thôn mới, kết hợp các nguồn vốn thực hiện tiêu chí số 4 đảm bảo cấp điện nhanh chóng đến khách hàng khu vực lưới điện nông thôn mới phát triển theo các dự án trong năm 2017 và các công trình thuộc chương trình nông thôn mới.

Mai Phương (TTXVN)
Điện lực miền Nam triển khai nhiều dịch vụ mới
Điện lực miền Nam triển khai nhiều dịch vụ mới

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang tập trung triển khai các dịch vụ mới dành cho khách hàng sử dụng điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN