Đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trong mùa khô 2017

Nhằm chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2017, tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương rà soát, đầu tư, gia cố lại hệ thống cống đập bị rò rỉ mặn, đắp đập ngăn mặn giữ ngọt; phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, xử lý kịp thời các tác động bất lợi do hạn hán, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó thành lập tổ quan trắc diễn biến nguồn nước, đo độ mặn thường xuyên, đặc biệt theo dõi độ mặn ở những khu vực có nguy cơ nhiễm mặn cao; tiếp tục tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất…Ngành nông nghiệp, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân gieo cấy đúng lịch thời vụ, nằm trong quy hoạch.

Theo đó, đối với vùng ngọt, địa phương đã tiến hành đắp hơn 40 đập tạm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai để ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích lúa Đông Xuân, lúa – tôm; tập trung phát động phong trào làm thủy lợi - thủy nông nội đồng mùa khô; khuyến cáo nhà nông chủ động dẫn nước, dự trữ vào ao hồ, đầu tư máy, thiết bị bơm nước phục vụ tưới tiêu. Đối với vùng chuyên tôm, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nạo vét kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng bị bồi lắng, khai thông dòng chảy, nhằm đảm bảo dẫn nguồn nước thông suốt từ các cửa biển, cửa sông đến kênh rạch, ao đầm nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, về giải pháp lâu dài, tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực phù hợp với thị trường; khai thác các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác để liên kết hộ, liên kết chuỗi sản xuất với doanh nghiệp; gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bạc Liêu, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2017 ở khu vực Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng sẽ ở mức độ ít nghiêm trong hơn năm 2016, nhưng vẫn cao hơn trung bình hàng năm, vì vậy người dân cần nêu cao đề phòng.

Qua ghi nhận, trong những ngày đầu tháng 2 đến nay, thời tiết nắng nóng trên địa bàn đang tăng dần, kèm theo gió mạnh, triều cường lên cao, nước mặn đang lấn sâu vào vùng ngọt phía Bắc quốc lộ 1A. Hiện độ mặn tại tuyến kênh xã Ninh Quới (Hồng Dân) đã vượt 1 phần nghìn; mực nước trên các tuyến kênh của 2 huyện Phước Long và Hồng Dân đang dâng cao dao động từ 0,35m - 0,50m.

Trước diễn biến trên, địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ hơn 40 nghìn ha lúa Đông Xuân 2016 - 2017, hàng nghìn ha lúa Thu Đông (lúa Tài Nguyên) xuống giống trễ và hơn 1.000 ha rau, đậu thực phẩm đang sinh trưởng trên đồng. Để phòng được mặn diện tích sản xuất này, tỉnh đã phối hợp với tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng vận hành nhịp nhàng hơn 100 cống đầu mối, phân ranh mặn - ngọt, cống Đông Nàng Rền... Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là đã có nhiều diện tích xuống giống trước lịch thời vụ hơn một tháng, gây khó khăn trong khâu điều tiết nước, đang đứng nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn, thiệt hại rất cao.

Huỳnh Sử (TTXVN)
Coi lũ là tài nguyên để đối phó xâm nhập mặn, hạn hán
Coi lũ là tài nguyên để đối phó xâm nhập mặn, hạn hán

Trong bối cảnh hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt buộc Đồng bằng sông Cửu Long phải giữ nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN