Theo bà Nguyễn Bích Vương, Giám đốc Trung tâm M&D, dự án chia làm 2 giai đoạn gồm giai đoạn đầu từ năm 2015-2019 với mục tiêu chính là đào tạo nghề cơ bản cho thanh niên; giai đoạn 2 từ năm 2020 đến tháng 12/2021. Trong quá trình triển khai đã nhận được sự tham gia tích cực của các nghệ nhân, doanh nghiệp các làng nghề trong đào tạo nghề cho thanh niên, giải quyết việc làm, góp phần duy trì và phát triển làng nghề truyền thống.
Từ thực tế triển khai dự án đào tạo nghề lớp cơ bản, nhận thấy các học viên có nhu cầu học nâng cao, khởi nghiệp kinh doanh nhỏ. “Từ thực tế triển khai giai đoạn 2, đã có một số bạn trẻ khởi nghiệp thành công như bạn Tuấn Anh giờ là chủ cơ sở thêu, Tuấn Cảnh là chủ chuỗi nhà hàng ở Mỹ Đức…”, bà Nguyễn Bích Vương cho biết.
Ông Bùi Quang Huy, đại diện Quỹ Citi cho biết: Dự án triển khai từ năm 2015 đến nay đạt thành công ngoài mong đợi. Nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19, các lớp học nghề vẫn được các nghệ nhân truyền nghề. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, do dịch bệnh, thanh niên từ đô thị trở về quê, nên việc học nghề sẽ giúp các bạn trẻ được học kỹ năng và tìm được việc làm tại quê hương. Chính vì sự thành công của dự án nên Quỹ Citi tiếp tục hỗ trợ dự án đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành những năm tiếp theo, từ đó duy trì phát triển nghề truyền thống, một nét văn hóa của khu vực Hà Nội.
Clip ông Bùi Quang Huy chia sẻ về giai đoạn 2 của dự án:
Theo Trung tâm M&D, năm 2021, dự án tổ chức được 12 lớp dạy nghề cho 320 thanh niên tại 5 huyện ngoại thành Hà Nội là Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Quốc Oai với 6 nghề truyền thống: Thêu tay, mây tre đan, sơn mài, điêu khắc gỗ, gốm, mộc dân dụng
Theo khảo sát của dự án, do gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp nên 95%, học viên sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề có việc làm.