Công nhân Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc kiểm tra trạm biến áp 110 KV Phong Thổ (Lai Châu) để phòng ngừa sự cố điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Đó là bão, lũ, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá, động đất, nắng nóng, nồm ẩm, băng tuyết, ngập úng. Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đã nhận xét như vậy.
“Hàng năm, những hiện tượng bất thường của thời tiết gây thiệt hại không nhỏ đến hệ thống lưới điện do EVNNPC quản lý. Do đó, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên mà đơn vị đã triển khai có hiệu quả từ nhiều năm nay”, Phó Tổng giám đốc Hồ Mạnh Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, để triển khai hiệu quả phòng chống thiên tai, thời gian qua, Tổng công ty đã bám sát Luật Phòng, chống phòng thiên tai và Quy chế về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo hướng 3 sẵn sàng: Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, an toàn với phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện tại chỗ và Hậu cần tại chỗ).
Hiện nay, hình thái thiên tai đã mở rộng, đặc biệt là khi tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng có ảnh hưởng bất lợi rõ nét nên lưới điện trong phạm vi 27 tỉnh và thành phố khu vực phía Bắc do Tổng công ty quản lý cũng phải chịu những tác động nhạy cảm nhất.
Quản lý gần 140.357 km đường dây hạ áp với 45.349 trạm biến áp phân phối để kinh doanh bán điện cho trên 9,4 triệu khách hàng (từ Hà Giang đến Hà Tĩnh, trừ thành phố Hà Nội), EVNNPC có quy mô lưới điện lớn nhất trong 5 Tổng công ty phân phối của EVN và trải dài trên tất cả các địa hình. Trong đó có rất nhiều đường dây, trạm biến áp đã được xây dựng từ lâu, xuống cấp, đặc biệt là lưới điện nông thôn tiếp nhận từ các tổ chức khác phần lớn là cũ nát, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành mà Tổng công ty chưa có điều kiện cải tạo triệt để nên lưới điện của EVNNPC dễ chịu nhiều tổn thất khi có thiên tai xảy ra.
Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của thiên tai gây ra, theo ông Hồ Mạnh Tuấn, ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, xây dựng các công trình, dự án dự án mới, đầu tư ở địa bàn nào, EVNNPC cũng đều phải xét đến tác động của yếu tố thời tiết ở khu vực đó.
Đơn cử như khu vực miền núi hay phải chịu sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy; khu vực triền sông, suối hay ngập lụt; khu vực miền biển thì chịu mặn…. Để từ đó, các dự án đầu tư sau khi đi vào vận hành đảm bảo chịu được các tác động về thiên tai.
Bên cạnh đó, trước mùa mưa bão, Tổng công ty phải tăng cường kiểm tra phát hiện các khiếm khuyết trong quá trình vận hành của hệ thống lưới điện. Đồng thời phương thức vận hành trong thời gian bị thiên tai là đảm bảo khôi phục cấp điện nhanh và an toàn, tổ chức lực lượng ứng trực, vật tư dự phòng và phương tiện đi lại ứng phó sẵn sàng.
Hàng năm, Tổng công ty và các đơn vị đều kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để thích ứng với tình hình trong năm; xây dựng các phương án phòng chống, các kịch bản khi xảy ra và các phương thức đảm bảo cấp điện cho các phụ tải quan trọng trong thời gian bị thiên tai. Đặc biệt, mỗi năm chọn một phương thức diễn tập, địa bàn diễn tập khác nhau với các hình thái thiên tai.
Cùng với việc tích cực tuyên truyền an toàn điện cho dân trước và trong mùa mưa bão, khi xảy ra bão lũ, Tổng công ty yêu cầu các đơn vị thành viên bám sát các công điện chỉ đạo từ Trung ương, Bộ Công Thương đến EVN về tình hình thời tiết, tổ chức lực lượng kiểm tra, chằng néo các nơi xung yếu, chuẩn bị lực lượng, vật tư dự phòng, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình khắc phục sự cố.
Do công tác chuẩn bị tốt như đã ký hợp đồng khung với các đơn vị B thi công trên địa bàn cung cấp dây, cột nên các đơn vị đã triển khai nhanh công tác khắc phục. Đồng thời nhanh chóng đánh giá mức độ thiệt hại để đưa ra phương án khắc phục sớm nhất cho từng lưới điện, từng địa bàn. Khi xảy ra đổ cột do thiên tai còn phải tính cả phương án bồi thường thiệt hại cho dân.
Ông Mai Quang Hùng, Trưởng ban An toàn EVNNPC cho biết, trước ngày 31/5/2017, các đơn vị thành viên trong Tổng công ty đã tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 100% đơn vị đã thành lập Ban, tiểu đội, đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; lập đầy đủ phương án phòng chống; trong đó có các tình huống diễn tập cụ thể.