Xung quanh nội dung này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc EVNNPT.
Hiện nay nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, vậy EVNNPT đã có chỉ đạo ra sao đối với các đơn vị trực thuộc nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện?
Nhận thức rõ tầm quan trọng của hệ thống truyền tải điện, EVNNPT đã hoàn thiện phương án phòng, chống dịch và đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch lan tràn; trong đó, có xử lý các tình huống đơn vị có trường hợp F0, trường hợp có nhiều cán bộ công nhân viên nghi nhiễm dịch các thể F1, F2 (dưới 30%, từ 30-50% hoặc trên 50% nhiễm).
Đồng thời, các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc bố trí ở tập trung cách ly sau ca trực; làm việc đối với lực lượng vận hành và sửa chữa, thí nghiệm; không ra ngoài khu vực cách ly, không tiếp xúc người ngoài để tránh lây nhiễm. Người lao động của kíp trực mới phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trước mỗi đợt trực tập trung.
Các lao động khác làm việc tối đa từ xa tại nhà; giữ liên lạc thông suốt và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu. Tất cả các cuộc họp tổ chức theo hình thức trực tuyến và tăng cường làm việc thông qua các ứng dụng từ xa.
EVNNPT cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên di chuyển phục vụ sản xuất, đầu tư xây dựng, xử lý các sự cố, hư hỏng thiết bị lưới điện, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục. Các đơn vị tích cực phối hợp với các Tổng công ty điện lực, công ty điện lực, các địa phương để triển khai nhanh chóng tiêm vaccine cho nhân viên.
Vậy, đâu là những khó khăn trong vận hành lưới điện truyền tải với tình hình dịch bệnh hiện nay, thưa ông?
Để hạn chế dịch bệnh, hiện nay nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách, cách ly xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ. Chính vì vậy, việc quản lý vận hành lưới điện truyền tải đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, đối với quản lý vận hành đường dây, việc kiểm tra định kỳ cũng như đột suất trên các tuyến đường dây, đặc biệt các tuyến đường dây đi qua các khu công nghiệp, khu vực đông dân cư tiềm ẩn nguy cơ sự cố bị hạn chế.
Đối với thí nghiệm, sửa chữa, việc hạn chế đi lại cũng ảnh hưởng đến bảo dưỡng định kỳ trạm biến áp do các đội thí nghiệm, sửa chữa phải di chuyển qua nhiều địa phương khác nhau. Ngoài ra, việc đi lại của cán bộ công nhân viên phải có giấy xét nghiệm kết quả âm tính và có thời hạn cũng là một trở ngại không nhỏ.
Đối với vận hành trạm biến áp, lực lượng trực ca phải cách ly tại trạm, các đơn vị phải bố trí thêm một bộ phận lao động để đảm bảo các điều kiện ăn, nghỉ, sinh hoạt tập trung. Việc phối hợp, tổ chức thí nghiệm, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trạm gặp nhiều khó khăn và khó đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch.
Không những thế, lực lượng trực vận hành, trực xử lý sự cố phải cách ly tập trung dài ngày trong khi khu vực xung quanh đang có nhiều ca nhiễm cũng ảnh hưởng tới tâm lý của người lao động.
EVNNPT đã và sẽ triển khai ứng dụng khoa học công nghệ như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh?
Trong thời gian qua, EVNNPT đã ứng dụng nhiều công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh nói chung và trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nói riêng. Cụ thể, trong quản lý vận hành trạm biến áp và đường dây, EVNNPT đã triển khai trên 70% các trạm biến áp 220 kV không người trực, giám sát điều khiển từ xa; ứng dụng giám sát trực tuyến các thiết bị chính trên lưới như: máy biến áp, kháng điện; ứng dụng thiết bị bay kiểm tra quản lý vận hành đường dây, camera giám sát đường dây, định vị sự cố đường dây...
Trong quản lý điều hành đầu tư xây dựng, EVNNPT ứng dụng camera, giám sát từ xa việc thi công các công trình xây dựng; khai thác tối đa các ứng dụng zoom, Msteam, hội nghị truyền hình.... đến tất cả các đơn vị cấp 4, các đơn vị giám sát, điều hành thi công công trình.
Hiệu quả là cho đến nay, EVNNPT vẫn đang quản lý tốt lưới điện truyền tải, đảm bảo an toàn, tin cậy cung cấp điện cho cả nước. EVNNPT sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thêm các thành tựu công nghệ trong thời gian tới để phục vụ tốt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, phòng chống dịch bệnh.
EVNNPT đã có phương án chuẩn bị như thế nào trong tình huống dịch bệnh có thể kéo dài, thưa ông?
Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và hiện nay, 100% các đơn vị trực thuộc EVNNPT đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19.
EVNNPT đã chỉ đạo tất cả người lao động quán triệt, nghiêm túc, gương mẫu thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch của các cơ quan Trung ương, địa phương, của EVN và EVNNPT. Các đơn vị nghiêm túc thực hiện cách ly tập trung, thực hiện tốt "3 tại chỗ" đối với bộ phận cán bộ công nhân viên trực vận hành, sửa chữa thí nghiệm, điều độ, vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng. Lực lượng này được bố trí ở lại đơn vị sau ca trực và không về nhà.
Với các tình huống xấu hơn có thể xảy ra, EVNNPT đã có kịch bản và phương án phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt đối với các đơn vị trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Các đơn vị lưu ý đảm bảo vận hành các đường dây, trạm biến áp cấp điện cho các khu vực có phụ tải ưu tiên, các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly, các địa điểm phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để khắc phục nhanh những bất thường, sự cố trên lưới điện.
EVNNPT cũng đã đề nghị các tỉnh, thành phố tạo điều kiện di chuyển điều hành sản xuất cho người lao động các đơn vị trực thuộc để quản lý vận hành, xử lý sự cố lưới điện truyền tải, triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Điều này nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất và phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Hiện nay, đã có 3.355 người lao động của EVNNPT được tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19, đạt 47,2 % tổng số cán bộ công nhân viên của EVNNPT. Trong thời gian tới, EVNNPT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế địa phương thực hiện tiêm vaccine cho người lao động…
Trân trọng cảm ơn ông!