Một năm gần 800 hội thảo
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành nông nghiệp Đắk Nông được tổ chức vào đầu tháng 1 vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Nông cho biết theo thống kê của đơn vị, trong năm 2017, toàn tỉnh đã có 792 cuộc hội thảo tư vấn, giới thiệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Tính trung bình, mỗi ngày có hơn 2 hội thảo giới thiệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được tổ chức tại Đắk Nông. Trung bình mỗi năm, mỗi thôn, bon, buôn trong tỉnh đều được tổ chức nhiều hơn 1 hội thảo.
Phân bón chứa mảnh thủy tinh, mảnh sành sứ mà một hộ dân tại huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông mua phải sau khi dự một hội thảo giới thiệu phân bón. |
Đáng chú ý hơn, so với các năm trước đó, số liệu của năm 2017 là khá khiêm tốn sau khi các ngành chức năng đã làm chặt chẽ hơn quy trình cấp phép. Theo đó, trong năm 2014 toàn tỉnh có gần 900 hội thảo, con số của 2015 là hơn 1.200 hội thảo và 2016 là gần 850 hội thảo.
Việc tổ chức các hội thảo để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm phân bón, vật tư nông nghiệp mới, kèm theo đó là hướng dẫn quy trình sử dụng, kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh trên cây trồng là việc làm mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã tích cực chủ trì, phối hợp để tổ chức các hội thảo, các buổi tuyên truyền, tập huấn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các hội thảo này ngày ít người tham dự, trong khi các hội thảo chủ yếu giới thiệu, bán các sản phẩm mới ngày càng thu hút đối với nông dân.
Trên thực tế, sau khi các công ty, doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình để tổ chức hội thảo, nhiều sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng đã khiến nông dân “tiền mất tật mang”.
Ông Nguyễn Tuấn Khải cho rằng số lượng các cuộc hội thảo giới thiệu sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng đột biến trong các năm gần đây nhưng hiệu quả thực tế trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân trên cây trồng lại không tăng theo tỷ lệ thuận mà có xu hướng ngược lại.
Nhiều sản phẩm “phân bón hữu cơ” đã khiến các hộ nông dân “tiền mất tật mang”. |
Cụ thể, trong năm 2017, ngành nông nghiệp và một số cơ quan chức năng liên quan, chính quyền các địa phương tiếp nhận nhiều đơn thư, phản ánh của nông dân về tình trạng cây trồng bị ảnh hưởng xấu sau khi bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Phổ biến là tình trạng cây rụng lá, chết cành, thậm chí chết cây hàng loạt. Nhiều trường hợp nông dân phát hiện phân bón chứa nhiều tạp chất gây hại, thậm chí rác thải độc hại, khó phân hủy sau khi sử dụng các loại phân bón “hữu cơ vi sinh”…
Kết quả kiểm tra, phân tích của ngành chuyên môn cũng ghi nhận nhiều sản phẩm có hàm lượng, thành phần không đúng theo quy chuẩn công bố. Đây có thể là nguyên nhân khiến cây trồng bị “ngộ độc”. Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất, phân phối lại không bị xử phạt do luật không quy định.
Lo nông dân “bội thực” thông tin Ông Nguyễn Tuấn Khải cho rằng việc cấp phép tổ chức hội thảo giới thiệu, quảng bá sản phẩm mới là việc làm theo hành chính Nhà nước. Cụ thể, theo Nghị định 108/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý phân bón, Sở Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn là đơn vị cấp phép cho việc tổ chức hội thảo phân bón. Nếu các đơn vị có đầy đủ giấy tờ, tài liệu đăng ký tổ chức theo quy định thì sẽ được cấp phép.
Vườn tiêu của một hộ dân chết sạch nghi do phân bón không đảm bảo chất lượng. |
Tuy nhiên, việc kiểm soát sau cấp phép là việc chưa được chú trọng đúng mức và ngành nông nghiệp cũng không đủ nhân lực, vật lực để thực hiện. Ông Khải cho rằng chính quyền các địa phương cần phối hợp, hỗ trợ ngành nông nghiệp nhiều hơn. Chẳng hạn như nếu phát hiện các đơn vị tổ chức quảng cáo sai sản phẩm đăng ký hoặc tổ chức sai thời gian thì có quyền dừng việc tổ chức lại…
Về phía nông dân, ông Khải khuyến cáo bà con phải cẩn trọng trước các sản phẩm mới, chưa có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Các hội thảo tổ chức linh đình, ăn uống “rùm beng”, tặng quà hoặc tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để bán sản phẩm kiểu vừa bán vừa tặng, bán thiếu bán chịu… thì càng phải thận trọng. Nếu mua sản phẩm để sử dụng cho vườn cây thì chỉ với số lượng ít và sử dụng với quy mô thử nghiệm. Không vì ham rẻ, khuyến mãi mà mua với số lượng lớn khi sản phẩm chưa có uy tín, thương hiệu cũng như chưa thấy được hiệu quả thực tế.
Nông dân Đắk Nông đang phát triển mạnh các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Thêm nữa, một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương Đắk Nông khuyến cáo bà con chỉ chọn mua phân bón ở các đại lý, doanh nghiệp phân phối uy tín. Các sản phẩm phân bón phải có nhãn hàng rõ ràng, địa chỉ nơi sản xuất và các quy chuẩn công bố áp dụng đầy đủ, không mua sản phẩm phân phối qua các kênh không chính thức, phân bón bán “dạo”. Thêm nữa, nông dân phải yêu cầu hóa đơn, chứng từ mua bán rõ ràng thì khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng mới dễ dàng hỗ trợ, xử lý.
Liên quan tới vấn đề này, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo ngành nông nghiệp làm chặt chẽ hơn nữa quy trình tổ chức các hội thảo giới thiệu sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới. Thời gian qua, nhiều trường hợp nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng đã thiệt hại nặng nề và tạo dư luận xấu. Ông Trương Thanh Tùng chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát sau khi cấp phép tổ chức hội thảo, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nông dân.
Thị trường rộng, nhu cầu lớn, Đắk Nông là tỉnh Nam Tây nguyên có diện tích tự nhiên gần 651.000 ha. Đất bazan màu mỡ phù hợp phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao như cà phê, tiêu, cao su, điều…
Bên cạnh đó, với các điều kiện phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, mấy năm gần đây, Đắk Nông cũng phát triển mạnh các loại cây ăn trái, rau màu... Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có hơn 120.000 ha cà phê, gần 30.000 ha tiêu, hàng chục ngàn hecta cây ăn trái, rau màu… nên nhu cầu về phân bón rất lớn.
Theo tính toán sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Nông, mỗi năm nông dân trong tỉnh cần trên 400.000 tấn phân các loại, chưa tính phân chuồng, phân hữu cơ tự nhiên. Tổng số tiền mà nông dân Đắk Nông chi ra để mua phân bón cho cây trồng mỗi năm lên đến gần 5.000 tỷ đồng, gấp khoảng 2 – 3 lần so với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Nhìn chung, nông dân trong tỉnh sử dụng thuốc BVTV và phân bón chủ còn chưa đúng kỹ thuật mà chủ yếu dựa vào hướng dẫn trên bao bì hoặc theo kinh nghiệm cá nhân. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, thổ nhưỡng, nguồn nước và chất lượng nông sản. |