Việc các nông hộ liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất cà phê góp phần nâng năng suất, chất lượng cà phê, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường.
Cuối năm 2012, Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, xã Thuận An, huyện Đắk Mil được Hiệp hội Thương mại công bằng quốc tế cấp giấy chứng nhận trở thành thành viên sản xuất cà phê thương mại công bằng ở Việt Nam. Hợp tác xã tập hợp những nông dân có tâm huyết với cây cà phê để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện hợp tác xã liên kết với hơn 130 hộ sản xuất gần 250 ha cà phê, sản lượng 900 tấn/năm.
Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An cho biết, trước đây nông dân chưa chú trọng sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn thế giới nên hiệu quả chưa cao và bị thương lái ép giá. Sau khi liên kết, Hợp tác xã chuyển giao kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Thương mại công bằng (Fairtrade) và được các thành viên thực hiện nghiêm túc.
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN |
Nhờ vậy, năng suất cà phê được nâng lên, trung bình đạt từ 3-4 tấn/ha, chăm sóc tốt đạt từ 5 tấn/ha trở lên. Khi thu hoạch, tỷ lệ trái chín chiếm trên 90% và được phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Các thành viên được công ty mua cà phê nhân với giá cao hơn thị trường 600 đồng/kg. “Chuyển sang canh tác cà phê theo hướng bền vững áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, mỗi ha cà phê người nông dân giảm được gần 15% chi phí đầu vào, trong khi đó năng suất tăng, chất lượng hạt cà phê đảm bảo, giá bán cao hơn”, ông Hạ nói.
Tại huyện Đắk R’lấp - huyện trọng điểm cà phê của Đắk Nông, những năm gần đây sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng được nhiều nông dân áp dụng. Hiện toàn huyện đã có khoảng 3.000 ha cà phê của hơn 3.000 hộ sản xuất theo hướng này, con số này tăng khoảng gấp đôi so với năm 2014. Năng suất cà phê ổn định, đạt từ 3- 3,5 tấn/ha.
Ông Lê Mai Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp đánh giá: khi tham gia liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất cà phê theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế người nông dân được hưởng nhiều lợi ích như hỗ trợ giống tốt, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và chế biến bảo quản cà phê.
Đặc biệt, các nông hộ được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh. Các hộ trồng cà phê thực hiện tưới nước tiết kiệm; bón phân cân đối; sử dụng từng loại phân bón theo đúng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây cà phê, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đắk Nông là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 3 vùng Tây Nguyên (sau Đắk Lắk, Lâm Đồng) với diện tích hơn 125.000 ha; trong đó, diện tích cà phê kinh doanh gần 113.000 ha, năng suất 2,3 tấn/ha. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Những năm gần đây, nhiều nông hộ ở Đắk Nông liên kết với doanh nghiệp rang xay, hợp tác xã trong nước như: Công ty TNHH Netslé Việt Nam, Neuman gruppe Việt Nam, Olam Việt Nam… trồng cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế; tập trung nhiều ở Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil với khoảng 15.000 hộ tham gia.
Nhờ sự liên kết của các doanh nghiệp hay hợp tác xã và người nông dân thông qua chính quyền địa phương hoặc nhóm, tổ sản xuất, những người cùng sở thích mà diện tích sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, UTZ Certifield ngày càng được mở rộng. Mặt khác đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thị trường, bán cà phê với giá cao hơn, tăng hiệu quả sản xuất, nâng thu nhập cho người trồng cà phê.
Theo ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, nhờ thiên nhiên ưu đãi và áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cà phê của tỉnh tương đối cao. Tuy nhiên, hiện người trồng cà phê ở Đắk Nông chưa quan tâm nhiều đến chất lượng cà phê và môi trường sinh thái.
Vì vậy, trong các giải pháp phát triển ngành cà phê bền vững, tỉnh Đắk Nông khuyến khích tổ chức, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ, củng cố, xây dựng, phát triển các hợp tác xã chuyên ngành, tổ hợp tác đảm nhiệm cho các thành viên (hộ dân liên kết) vật tư đầu vào; hỗ trợ, giám sát các thành viên thực hiện đúng các quy trình được áp dụng và đạt chứng nhận chất lượng – chứng nhận sản phẩm bảo vệ môi trường.