Biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội đường phố qua trung tâm ngã 6 tượng đài chiến thắng Buôm Ma Thuột. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN
|
Hiện nay, trên hầu hết các tuyến phố chính của thành phố Buôn Ma Thuột đều rợp cờ, hoa, biểu ngữ… chào mừng lễ hội.
Trong dịp Lễ hội, ngoài chương trình khai mạc với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển” có quy mô hoành tráng, còn có hàng loạt chuỗi sự kiện lớn khác: Hội chợ, triển lãm chuyên ngành cà phê có 234 đơn vị đăng ký tham gia, gồm 735 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4; trưng bày chuyên đề lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên, lịch sử đồn điền cà phê CADA; hội thảo về cà phê…
Lễ hội lần này cũng có trên 800 nghệ nhân, diễn viên, nông dân sản xuất giỏi của các tỉnh Tây Nguyên tham gia Lễ hội đường phố, đêm hội vào mùa, đêm hội diễn tấu cồng chiêng…
Thành phố Buôn Ma Thuột có 32 quán cà phê tiêu biểu được chọn để tổ chức phục vụ cà phê miễn phí hoặc giảm giá bán cho khách hàng. Đây là những quán cà phê có phong cách phục vụ, pha chế, không gian đặc trưng của Tây Nguyên và đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sân bay Buôn Ma Thuột cũng tăng thêm 6 chuyến bay đến và đi trong dịp Lễ hội này.
Buổi luyện tập của đội cồng chiêng buôn Ea Bông, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột). Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, việc tổ chức Lễ hội lần này là nhằm quảng bá thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa "Cà phê Buôn Ma Thuột”, khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.
Lễ hội đường phố qua trung tâm ngã 6 tượng đài chiến thắng Buôm Ma Thuột. Ảnh: Thanh Hà /TTXVN |
Lễ hội cũng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào năm 2005, được chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2008.
Đồng thời, thông qua Lễ hội sẽ quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, mời gọi những dự án đầu tư, thương mại, du lịch lớn trên địa bàn của các tỉnh Tây Nguyên.