Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đang đặt quyết tâm tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững của tỉnh. Nằm ở vị trí trung tâm cao nguyên Nam Trung bộ và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có đường biên giới dài 73 km, giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia), nhưng hoạt động kinh tế đối ngoại của Đắk Lắk vẫn còn hạn chế, thu hút đầu tư nước ngoài thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Vốn đầu tư nước ngoài thấp
Tại đêm an sinh xã hội, với chủ đề “Khát vọng đại ngàn” do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào tháng 5/2015, đã có hơn 170 tỷ đồng được trao tặng ủng hộ chương trình an sinh xã hội Tây Nguyên, trong đó ngành ngân hàng Việt Nam ủng hộ 100 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN |
Theo ông Y Dhăm, Ênuôl, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, các dự án FDI, ODA, NGO triển khai trên địa bàn tỉnh không có vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, công tác thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư của nước ngoài còn nhiều hạn chế, vốn đầu tư còn quá thấp, công nghệ sản xuất chưa cao nên tác động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa nhiều.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2006 đến nay, Đắk Lắk mới thu hút được 10 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 173,7 triệu USD. Các dự án FDI thuộc các lĩnh vực chế biến nông sản, sơ chế thức ăn gia súc, sản xuất nhiên liệu sinh học, trồng hoa xuất khẩu, thương mại và dịch vụ.
Về tình hình viện trợ ODA, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 29 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, giao thông đang được triển khai thực hiện. UBND tỉnh là cơ quan chủ quản 14 dự án với tổng mức đầu tư 888,2 tỷ đồng; trong đó vốn ODA: 624,8 tỷ đồng. Hầu hết các dự án ODA lớn đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, ít có khả năng sinh lời trực tiếp như: hệ thống giao thông đô thị, môi trường, cấp nước, thoát nước...
Tỉnh cũng đã nhận được 83 khoản viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ (NGO), với tổng vốn 23,885 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, tăng phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn… góp phần cùng địa phương giải quyết một số khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống của các đối tượng được thụ hưởng trong các vùng dự án. Theo ông Nguyễn Viết Tượng, Bí thư Thành ủy TP Buôn Ma Thuột, so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, công tác thu hút đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là lĩnh vực nông - lâm nghiệp và các lĩnh vực đang được khuyến khích xã hội hóa cao như giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao. Số lượng dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đúng tiến độ còn thấp. Nhiều dự án chậm tiến độ và một số dự án chưa được triển khai. Các dự án đầu tư sản xuất đang hoạt động tại tỉnh hầu hết còn mang tính giản đơn, công nghệ chưa cao, do đó giá trị gia tăng còn thấp.
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, trong điều kiện nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế, tỉnh tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống của người dân, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua, Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk) luôn đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng tốt nhất công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, theo ông Y Dhăm, Ênuôl, trong thời gian tới, Đắk Lắk tập trung rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020 để có cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tiếp đó, tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, liên tỉnh nối Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, các địa phương khác trong nước và khu vực Tam giác phát triển. Mặt khác, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên các lĩnh vực thủy lợi, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, điện, hệ thống đường bộ.
Theo ông Võ Ngọc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk, tỉnh đã và đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính thuận lợi nhất, đơn giản nhất cho nhà đầu tư. Về ưu đãi đầu tư, áp dụng ở mức tốt nhất cho các nhà đầu tư đối với thuê đất, cấp đất và thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Đất đai và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh từng bước đổi mới theo hướng xác định rõ ngành, lĩnh vực trọng điểm, địa bàn phù hợp, nhà đầu tư chiến lược và các dự án có tính động lực, lan tỏa cao. Đồng thời chủ động công tác xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức khác nhau; trong đó chú trọng hình thức thường xuyên tiếp xúc, liên hệ với các đối tác, các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước để giới thiệu tiềm năng, môi trường đầu tư của tỉnh; tăng cường các mối liên kết hợp tác xúc tiến với các cơ quan xúc tiến trong và ngoài nước; nghiên cứu cơ cấu tổ chức mới, đổi mới hình thức hoạt động, hướng tới cơ chế hợp tác liên vùng.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh tỉnh (PCI), tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hiệu quả. Đắk Lắk cũng tăng cường thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin đối ngoại, thông qua Cổng thông tin điện tử Đắk Lắk, Sở Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Bản tin đối ngoại… cung cấp một số thông tin về công tác đối ngoại của tỉnh, các dự án thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng ra nước ngoài để kêu gọi, thu hút đầu tư.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Ngoại giao giới thiệu, hỗ trợ cho tỉnh trong việc chọn đối tác ở nước ngoài phù hợp với địa phương để ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan hỗ trợ cung cấp thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại của địa phương, cung cấp thông tin của nước sở tại để địa phương có thể nghiên cứu, tiếp cận, xúc tiến đầu tư, thương mại và hợp tác nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.