Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2015 PCI Đà Nẵng đạt số điểm 68,34.
Sông Hàn, một địa danh nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Năm nay, đa số các chỉ tiêu đo lường chi phí thời gian và hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính của Đà Nẵng đều cải thiện. Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết họ “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký” tăng từ 67% năm ngoái lên 70%, tỉ lệ đánh giá cán bộ công chức làm việc hiệu quả tăng từ 71% năm ngoái lên 76%.
Với mô hình chính quyền điện tử, Đà Nẵng đã thúc đẩy phát triển nhanh các dịch vụ trực tuyến, hiện đại hóa quản lý hành chính công, giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh thành, thành phố. Đây là lần thứ 8 liên tiếp tỉnh này nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.
Tiếp đến là Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên... Đứng cuối bảng xếp hạng năm nay là Đắk Nông, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Cà Mau, Cao Bằng... Thủ đô Hà Nội đứng thứ 24 trong bảng xếp hạng, trong đó là một trong những tỉnh thấp nhất về chỉ số tiếp cận đất đai và gia nhập thị trường.
Theo đánh giá của VCCI, năm 2015 ghi nhận những kết quả tích cực của việc đăng ký, thành lập doanh nghiệp. Thời gian để lấy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn ở mức kỷ lục trong vòng 11 năm.
Hiện nay doanh nghiệp tại tỉnh trung vị, kể cả thời gian chuẩn bị hồ so và đi lại chỉ mất 8 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trước đó doanh nghiệp phải mất 10 – 12 ngày. Đặc biệt, thời gian thanh tra thuế đã giảm đáng kể từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ trung bình một cuộc, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, những chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015).
Đây là lần thứ 11 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.