Đa dạng dịch vụ để hợp tác xã phát triển

Đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng là yêu cầu không chỉ của các doanh nghiệp mà các hợp tác xã ngày nay cũng đang dần phải chuyển đổi hoạt động theo hướng đa dạng hoá từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và các hoạt động dịch vụ để thu hút nguồn lực phát triển. Vì vậy, việc mở rộng lĩnh vực hoạt động là xu thế của các hợp tác xã hiện nay.

Chú thích ảnh
Mô hình điểm chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thạnh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đang được thu hoạch. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác - Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, khu vực có số lượng hợp tác xã nhiều nhất là Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 2.700 hợp tác xã và tổ hợp tác. Các khu vực còn lại có số lượng thấp hơn nhưng vẫn hình thành chuỗi hợp tác xã nông nghiệp liên kết và phát triển.

Tại tỉnh Đồng Nai, các hợp tác xã nông nghiệp cũng đang nỗ lực đổi mới theo Luật Hợp tác xã 2023, dần hình thành nhiều hoạt động dịch vụ để vừa thu hút thành viên, vừa thúc đẩy sản xuất và nâng cao lợi nhuận cho hợp tác xã. Theo ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến, huyện Xuân Lộc, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động là điều cần thiết đối với bất kỳ mỗi đơn vị kinh tế nào. Nếu hợp tác xã nông nghiệp chỉ cung cấp những dịch vụ đơn thuần sẽ rất khó phát triển, nhất là trong bối cảnh phải cạnh tranh với các dịch vụ của các cơ sở tư nhân bên ngoài.

Điều này làm cho việc hợp lực của các thành viên không có, đông mà không mạnh. Hiện nay, trước những thay đổi của Luật Hợp tác xã và biến động tình hình mới, các hợp tác xã không cách nào khác phải thay đổi tư duy sản xuất, học hỏi, tìm kiếm cách làm mới, mô hình hay và phù hợp. Như Hợp tác xã Xuân Tiến, chỉ trồng lúa, bắp (ngô) thôi thì chưa đủ, mà phải sản xuất bằng cơ giới hóa, nâng cao tính cạnh tranh. Hiện nay Hợp tác xã Xuân Tiến đã nỗ lực để đầu tư nhiều hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay trên cánh đồng, góp phần giảm chi phí nhân công.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã Xuân Tiến đã huy động nguồn vốn để xây dựng nhà máy xay xát, chế biến gạo mới, đường điện cũng đã được hợp tác xã đầu tư. Khu đặt nhà máy xay xát gạo được đưa ra khỏi khu dân cư, ngay vùng trồng lúa. Không chỉ vậy, Hợp tác xã Xuân Tiến đang từng bước hợp tác với nông dân ở huyện Tân Phú và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc trồng giống lúa đặc sản ST25, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân.

Tương tự như Hợp tác xã Xuân Tiến, còn có nhiều hợp tác xã khác cũng đã dạng hóa hoạt động để đảm bảo nguồn thu và lợi nhuận cho các thành viên tham gia. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình, Trảng Bom cho biết, vùng chuối nguyên liệu ở Trảng Bom nói riêng và Đồng Nai nói chung rất lớn. Tuy nhiên, sản phẩm chủ lực mới chỉ là chuối tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng với tình trạng rất bấp bênh.

Trăn trở, tìm tòi làm cách nào để nâng cao giá trị của cây chuối là điều mà ông Hùng theo đuổi từ nhiều năm qua. Việc sản xuất ra các sản phẩm từ phế phụ phẩm cây chuối đang là giải pháp được hợp tác xã này thực hiện. Hợp tác xã Thanh Bình đã nhập máy se sợi để sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm như ba lô, giỏ xách; sản phẩm tô, ly, chén sử dụng một lần được làm từ bẹ thân cây chuối hay các tấm thảm được dệt từ bẹ chuối, tấm cách nhiệt...

Ông Hùng chia sẻ, muốn thương mại hóa một cách rộng rãi, các hợp tác xã cần thời gian và sự đồng hành của các bên nhiều hơn. Hợp tác xã Thanh Bình đang bước đầu hợp tác với Tập đoàn Kusano Sakko Inc (Nhật Bản) để có thể cho ra thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao như hạt nhựa sinh học, phân bón hữu cơ... đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đổi mới để tìm hướng phát triển không chỉ mang lại lợi ích lớn cho hợp tác xã nông nghiệp, còn là hướng đi dành cho nhiều hợp tác xã rơi vào thế khó do biến động kinh tế, hoặc biến động giá sản phẩm trong một giai đoạn nhất định. Nhiều hợp tác xã tại tỉnh Bình Dương cũng đã lựa chọn hướng đi thay đổi, đa dạng hoá hoạt động cho hợp tác xã để vực dậy kinh tế trì hoàn tạm thời.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dân Tiến, xã Tân Định, Bắc Tân Uyên, khi thu nhập từ cây cao su giảm thấp, ông đã nhanh chóng chuyển đổi sang trồng cây có múi. Ông được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương tổ chức. Được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích, ông đã vận động thành lập hợp tác xã với 7 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích 50 ha.

Cũng từ đây, ông Tiến cùng các thành viên đầu tư hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nước tự động để chăm sóc vườn cây ăn trái của mình. Hợp tác xã chủ yếu trồng bưởi da xanh và cam theo phương thức VietGAP. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Dân Tiến kết hợp sản xuất với du lịch nông nghiệp, như thu hái sản vật, câu cá giải trí, hồ bơi, cắm trại… Ông Tiến cho hay, với phương châm “nông nghiệp xanh, sống an lành”, khách phương xa đến tham quan được hòa mình trong một bầu không khí mát mẻ, thưởng thức những món đồng quê, dân dã.

Bình Dương vốn có vị trí địa lí thuận lợi trong kết nối và thu hút khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lận cận. Do đó, Bình Dương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, với hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai… là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái nông thôn. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương chia sẻ, thực tế, mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái… đang phát triển mạnh ở các địa phương, đây là mô hình kinh tế kép có sự tham gia tích cực của các hợp tác xã nông nghiệp.

Mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái… được đầu tư, khai thác, quản lý thông qua các Hợp tác xã phù hợp với năng lực của người dân nông thôn và có tính lan tỏa cao hơn. Đặc biệt, mỗi hợp tác xã ở các địa phương có thể xây dựng được các mô hình du lịch khác nhau, tạo được sự đa dạng nhưng vẫn giữ được điểm độc đáo của từng địa phương để thu hút được số lượng du khách ngày càng nhiều. Từ đó, các sản phẩm nông nghiệp và giá trị văn hóa của các vùng quê được lan tỏa rộng rãi.

Hồng Nhung (TTXVN)
Chuyển đổi số: Giải pháp hữu ích giúp hợp tác xã nâng cao hiệu quả kinh tế
Chuyển đổi số: Giải pháp hữu ích giúp hợp tác xã nâng cao hiệu quả kinh tế

Từ 1/7/2024, Luật Hợp tác xã 2023 bắt đầu có hiệu lực. Điểm mới được nhấn mạnh trong luật là nhấn mạnh và chú trọng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong phát triển hợp tác xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN