Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, các doanh nghiệp lớn đều phải tích hợp tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn có bước tiến dài.
Hành trình tăng trưởng xanh
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, thực hành ESG cũng như triển khai các mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng xanh nói chung không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện bắt buộc. Nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam hiện nay đều đã có những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề này.
Cụ thể, EU đã buộc các nhà xuất khẩu vào thị trường này phải trả một khoản thuế tương ứng với mức giá cho phép phát thải. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á như: Singapore, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines đã yêu cầu các công ty đại chúng công bố hiệu quả hoạt động ESG hoặc bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo bền vững.
Tuy nhiên, xét từ thực tế và yêu cầu tự thân của doanh nghiệp, ESG đang trở thành tiêu chí ngày càng được quan tâm rộng rãi nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy thực hành các thông lệ liên quan đến ESG và sự gia tăng nhu cầu của nhà đầu tư đối với đầu tư bền vững. Ngay từ năm 2022, đã có 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết thực hiện ESG trong vòng từ 2-4 năm tới. Do đó, việc công bố dữ liệu và báo cáo ESG sẽ trở nên phổ biến hơn.
Thực tế, việc áp dụng các tiêu chí ESG mở ra các cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác của các doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lợi ích của áp dụng chuẩn mực ESG trong môi trường hội nhập toàn cầu như: tăng thị phần, giảm chi phí, giảm áp lực về pháp lý, tối ưu hóa đầu tư và nắm giữ tài sản...
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kết hợp bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội gắn với thực hành quản trị tốt là vấn đề nan giải với không ít doanh nghiệp vì chi phí gia tăng, các điều kiện hoạt động trở nên khắt khe và phức tạp khiến lợi nhuận giảm sút. Đây là vấn đề hóc búa với rất nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh còn đối diện nhiều bất lợi, tình hình phức tạp cũng như sự hạn hẹp về vốn, công nghệ.
Thực tế mức độ quan tâm đến môi trường ngày càng tăng nhưng mức độ hiểu biết về quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế. Khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường, dù đến 68% đơn vị cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu. Ngoài ra, vẫn còn thiếu những khoản đầu tư thỏa đáng cho mục tiêu thực hiện ESG. Rõ ràng, từ nhận thức đến hành động vẫn còn một khoảng cách.
Cần hành động mạnh mẽ
Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh nhưng còn nhiều điều cần phải làm để cụ thể hoá thực hiện mục tiêu đề ra để đạt được Net Zero vào năm 2050.
Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ về hệ thống phân ngành kinh tế xanh. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, nỗ lực hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp trách nhiệm xã hội và các doanh nghiệp tư nhân có thực hành ESG tốt.
Cùng với đó, Bộ này cũng đang tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia."Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh và nhất là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức," Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh biến đổi khí hậu nghiêm trọng, môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều bất định, việc ứng dụng ESG trong điều hành doanh nghiệp sẽ là một hướng tiếp cận quan trọng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chia sẻ ý kiến từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh toàn cầu (GSM) cho hay, việc xây dựng thương hiệu của mình là "xanh" như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh. Việc này phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ Việt Nam khi cam kết Net Zero đến năm 2050 tại COP26.
"Doanh nghiệp đã mở ra một nền kinh doanh mới ESG của Việt Nam và mở rộng ra trên toàn cầu. ESG là xu hướng tất yếu không thể đi ngược", ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định.
Còn theo ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty cổ phần Én Vàng Quốc tế, sau hơn 20 năm, doanh nghiệp luôn tìm kiếm các phương án kinh doanh mang lại hiệu qua đóng góp một phần cho cộng đồng. Do vậy, doanh nghiệp đã chuyển sang đưa xe điện vào vận hành kinh doanh. Kết quả cho thấy, quá trình vận hành an toàn, hiệu quả, chi phí rẻ hơn xăng từ 20-30%, chi phí bảo hành bảo trì cũng rẻ hơn.
"Thời gian tới, Chính phủ có những chính sách cụ thể hỗ trợ để doanh nghiệp có niềm tin hơn, mạnh dạn thay đổi để tiến tới hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", ông Nguyễn Văn Định mong muốn.
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thực hiện ESG là yêu cầu bắt buộc, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang theo hướng khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ.
"Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phải tiếp cận và đây là một cuộc chiến sống còn, buộc doanh nghiệp phải chiến đấu để dành được sự tồn tại. Khi tham gia WTO, chúng ta phải thay đổi theo luật chơi thương mại quốc tế vì đó là yêu cầu bắt buộc", TS. Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.