Chia sẻ tại Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đang bước vào những tháng cuối cùng của năm 2023, với nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, đến hết quý III/2023, cả nước đã có hơn 165.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD, với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD…
Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.
“Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động”, ông Hoàng Quang Phòng phân tích.
Phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khoá để Việt Nam thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số.
“Chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.
Còn ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế số của Việt Nam đang trên đà phát triển, tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức trong nền kinh tế số như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao…
Theo ông Trịnh Minh Anh, Chính phủ cần quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây chính là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, cần phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia. Chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc.
Đối với các doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Anh cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số, điều tiên quyết là phải chủ động đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời các công nghệ mới; chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ số thành công phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, trình độ năng lực của từng doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tìm kiếm. cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ, phát triển các phương thức kinh doanh mới. Doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh thì càng tham gia tốt hơn vào nền kinh tế số và có cơ hội trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) nhận định, thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng các quy định, giảm thiểu thủ tục hành chính, đổi mới các dịch vụ công. Việc áp dụng giải pháp số đã mang đến những kết quả tích cực. Song thực tế, cần đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Thông qua triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, 19 nghị quyết chuyên đề, đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, phát huy vai trì của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.