Theo ông Hoàng Trung, ngày 10/4/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, Bộ đã có lộ trình cho việc loại bỏ hoạt chất này. Từ thời điểm đó, Việt Nam đã không cho phép nhập khẩu hoạt chất Glyphosate.
“Bộ đã có một lộ trình 2 năm và trong thời gian này cũng không cho phép nhập khẩu, chỉ sử dụng lượng đã nhập trước khi có quyết định trên. Quy định này đã được phổ biến rộng rãi đối với doanh nghiệp kinh doanh, phân phối”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam có hiệu lực thi hành và Thông tư số 06/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT, các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán sử dụng đến hết ngày 30/6/2021.
Ông Hoàng Trung cho hay, trước ngày 30/6/2021 khoảng 3 tháng, Cục đã có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp sử dụng thuốc này để có sự chủ động và kế hoạch thích ứng với quyết định của Bộ. Cùng đó, Cục và Bộ đã có các văn bản thông báo cho doanh nghiệp, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội hoa Lâm Đồng…
“Quan điểm của Cục và Bộ trước hết là bảo vệ sức khỏe cho con người và tiếp đến là bảo vệ môi trường. Bộ đã có lộ trình 2 năm nên doanh nghiệp không thể nói là không có thời gian để thích ứng”, ông Hoàng Trung bày tỏ.
Ông Hoàng Trung cho rằng, ông đã làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm về việc không sử dụng sản phẩm Glyphosate và đã thống nhất cùng doanh nghiệp gửi kết quả khảo nghiệm hoạt chất thay thế Glyphosate. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công hàm gửi toàn bộ tài liệu kỹ thuật này sang Australia. Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với doanh nghiệp phía Australia để tìm hoạt chất thay thế với tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị doanh nghiệp có kế hoạch, chiến lược để xuất khẩu sang các thị trường khác. Bộ đang chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật trong việc cung cấp đầy đủ thông tin để Australia chấp nhận các hoạt chất mà phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất thay thế một cách nhanh nhất.
Việt Nam hiện đang xuất khẩu hoa cắt cành sang khoảng 20 nước, riêng thị trường Australia chỉ có 2 loại hoa yêu cầu nhúng Glyphosate trước khi xuất khẩu là hoa cúc và cẩm chướng. Còn các loại hoa khác như: cát tường, lan hồ điệp… vẫn xuất khẩu bình thường.
Về việc Australia có quy định phải nhúng 2 loại hoa trên vào hoạt chất Glyphosate trước khi xuất khẩu, ông Hoàng Trung cho hay, Australia có quy định rất chặt chẽ về hàng hóa nhập khẩu. Quy định đầu tiên của Australia là việc ngăn chặn các sinh vật ngoại lai xâm hại. Do vậy, Australia không để nguy cơ các sinh vật sống vào nước họ và trở thành sinh vật ngoại lai. Hai loại hoa trên có tỷ lệ nảy mầm lớn và để đảm bảo tuyệt đối các loại hoa trên vào Australia không có khả năng nẩy mầm, việc sử dụng Glyphosate chủ yếu là xử lý triệt để khả năng này của cành hoa.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nhiều nước đã cấm hoặc đang có lộ trình cấm hoạt chất này. Điển hình như: sản phẩm cà phê xuất khẩu sang thị trường EU với dư lượng cho phép gần như bằng 0 và lộ trình EU sẽ cấm hoạt chất này trong cà phê. Hiện nay, để hướng tới xuất khẩu cà phê sang EU bền vững, Việt Nam đang được Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) hỗ trợ trồng cà phê bền vững và không sử dụng Glyphosate.
Hoạt chất Glyphosate được sử dụng chủ yếu trong các thuốc diệt cỏ.