Cửa hàng kinh doanh xăng, dầu 'gồng gánh' sức mua duy trì mức cao

Mặc dù chính quyền địa phương cũng như sở, ngành đã công bố danh sách cửa hàng xăng, dầu hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và những giải pháp hỗ trợ điều tiết, bình ổn thị trường, nhưng lượng khách hàng tại nhiều cửa hàng xăng, dầu vẫn tăng đột biến và duy trì ở mức cao.

Chú thích ảnh
 Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tại TP Hồ Chí Minh có lượng khách hàng tập trung đông và tràn ra cả lòng lề đường. 

Ghi nhận đến trưa ngày 11/10, nhiều người dân vẫn nối đuôi nhau tấp nập vào cửa hàng kinh doanh xăng, dầu để "đổ đầy bình" bất chấp phải xếp hàng và thời gian chờ đến lượt mua lâu hơn thời điểm bình thường. Tình trạng này kéo dài từ sáng sớm cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có xu hướng giảm nhiệt.

Lý giải nguyên nhân tranh thủ giờ nghỉ trưa đi mua xăng, chị Ánh Nguyệt, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho hay, trong những ngày gần đây nguồn cung xăng, dầu bán lẻ đến tay người tiêu dùng bị biến động và có những cửa hàng treo biển "hết xăng" đã gây tâm lý bất an cho người dân. Đồng thời, trước một số thông tin trong kỳ điều chỉnh xăng, dầu sẽ công bố vào 15 giờ chiều nay, mặt hàng này có thể tăng giá nên người dân tranh thủ mua đầy bình.

Cùng quan điểm, anh Văn Duy, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, tuy cửa hàng kinh doanh xăng, dầu ngay đầu ngõ nhà, nhưng cả gia đình cũng quan ngại thị trường đứt nguồn cung nên ưu tiên mua đầy bình xăng các xe gắn máy trước. Bên cạnh đó, gia đình cũng chỉ mua xăng phục vụ nhu cầu đi lại thiết yếu, chứ không có chứa trữ vì mặt hàng xăng, dầu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Trước thực trạng người dân tấp nập mua xăng, hàng loạt cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục gặp khó khăn trong cung ứng, bán lẻ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Điển hình, cửa hàng kinh doanh xăng dầu Saigon Petro trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP Hồ Chí Minh đã treo biển "hết xăng RON 95 - III".

Khi khách hàng đến mua xăng thì nhân viên của cửa hàng thông báo và hướng dẫn đến cửa hàng kinh doanh xăng, dầu gần đó. Riêng dối với những khách hàng mua dầu, thì cửa hàng vẫn phục vụ bình thường với số lượng không giới hạn.

Tương tự, cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex trên đường Pastuer quận 3, TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm cuối buổi sáng đã huy động xe bồn tiếp ứng nguồn cung xăng, dầu để đảm bảo số lượng khách hàng tăng cao đột biến trong sáng nay. Thống kê sơ bộ, lượng khách hàng đến cửa hàng này tăng gấp 3 - 5 lần so với thời điểm bình thường.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện một số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, do một số lượng cửa hàng kinh doanh xăng, dầu treo biển "hết xăng" và tạm đóng cửa nên những cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn đang hoạt động phải "gồng gánh" sức mua và lượng khách hàng tăng cao đột biến. Cùng đó, thị trường phân phối, bán lẻ xăng, dầu biến động theo xu hướng thiếu hụt nguồn cung nên người tiêu dùng có tâm lý có thể "không đổ được xăng" phục vụ cho nhu cầu đi lại.

"Trên thực tế, trong những ngày qua, không ít người dân phải đi đến 2 - 3 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới mua được xăng. Hay xuất hiện tình trạng cửa hàng xăng, dầu linh hoạt phương thức kinh doanh để duy trì hoạt động bằng cách bán xăng với mức hạn chế nhất định hay chỉ vận hành 1 - 2 trạm bơm xăng", một đại diện cửa hàng xăng, dầu chia sẻ thêm.

Với bối cảnh cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tại TP Hồ Chí Minh "khát" nguồn cung ứng, trong khi sức mua của người dân duy trì ở mức cao đang gây tình trạng hỗn loạn thị trường và đời sống kinh tế - xã hội. Theo các chuyên gia, nếu tình trạng này cứ kéo dài và không nhanh chóng tháo gỡ thì số lượng cửa hàng kinh doanh xăng, dầu treo biển "hết xăng" và "tạm đóng cửa" sẽ tăng ngày càng nhiều hơn.

Theo Ts. Nguyễn Quốc Việt,  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, đến thời điểm này, thông tin từ Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã cho thấy doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu ngưng nhập khẩu và sản lượng nhập khẩu giảm là có thật. Vì vậy, những vấn đề đặt ra là tỷ lệ xăng, dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước hiện như thế nào? 

Hơn nữa, mức độ tự chủ của doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trong quyền quyết định nhập khẩu đến đâu? Với những vấn đề nêu ra, bộ ngành quản lý cần nhìn nhận vai trò của mình và trong phối hợp liên ngành trong điều tiết thị trường xăng, dầu.

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu; 60 thương nhân phân phối; 550 cửa hàng kinh doanh bán lẻ. Đến chiều ngày 10/10 đã có 121 trong tổng số 550 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh treo biển "hết xăng" và "tạm đóng cửa". Trước đó, thống kê đến tối ngày 9/10 chỉ có 54 cửa hàng treo biển "hết xăng" và "tạm đóng cửa".

Ngoài ra, số lượng cửa hàng kinh doanh xăng, dầu treo biển "hết xăng" và "tạm đóng cửa" chủ yếu là những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, vốn yếu kém về tài chính và năng lực liên kết với doanh nghiệp đầu mối. Số lượng cửa hàng này cũng phổ biến tập trung ở những quận, huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: Mỹ Phương  (TTXVN)
Bộ Công Thương lập hội đồng thẩm định kết quả thanh tra trong kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương lập hội đồng thẩm định kết quả thanh tra trong kinh doanh xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có quyết định thành lập hội đồng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN