Dù trời nắng gắt, lại đúng khung vào giờ trưa, nhưng trên con phố nhỏ Nguyễn Cao (Hà Nội), nhiều khách hàng cùng phương tiện xe máy ngổn ngang vẫn đang chờ đợi để mua suất bún chả nóng mang về. Trưa 2/6, một phụ nữ đỗ xe ô tô bên đường, hớt hải chạy sang lấy mấy suất bún đặt trước nhưng vẫn chưa đến lượt nên “dỗi” phóng xe đi. Dù đông khách nhưng theo bà chủ cửa hàng bún chả ở Nguyễn Cao, lượng khách chỉ dồn vào giờ cao điểm trưa nên hàng vẫn bán chậm so với trước.
“Khách mua hàng đã giảm 40% so với trước khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát. Nếu như trước kia, cửa hàng còn tận dụng được chút không gian để kê chục chiếc bàn thì nay khách chỉ đông vào khoảng 1 giờ trưa để mua mang về. Tôi phải cho nhân viên nghỉ bớt để giảm chi phí kinh doanh”, chủ cửa hàng bún chả phố Nguyễn Cao cho biết.
Trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, tình trạng cũng diễn ra tương tự, nhiều cửa hàng ăn như phở bò, gà; bún miến ngan đã phải đóng cửa vì mở bán online cũng không trụ được. Lác đác một vài cửa hàng vẫn “cầm cự” bán cho thực khách mang về, trong đó có quán bún ốc cô Sáu có tiếng... Tại số 383 phố Bạch Mai, cửa hàng nhỏ bán bún ốc và bún dọc mùng vốn trước kia đông nghịt khách ăn vào buổi tối thì vài tuần nay, cửa hàng vắng hoe. Theo nhân viên quán, số khách giảm mạnh tới 50%. Chủ hàng, nhân viên quán ngồi chờ khách “dài cổ”. “Do dịch bệnh, buổi tối ít người ra đường nên lượng khách tới mua đồ ăn giảm mạnh. Trước kia dịch chưa bùng phát, dòng người trên phố nhộn nhịp, giới trẻ đi chơi nên vào quán ăn rất đông”, nhân viên cửa hàng bún ốc phố Bạch Mai cho biết.
Quán phở bò được nhiều người đánh giá ngon tại ngõ 77 Đặng Xuân Bảng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải đóng cửa cả tuần nay vì bán online gặp khó. “Do chưa tham gia App bán hàng cũng như lượng khách công sở quanh đây ít nên tôi quyết định đóng cửa hàng, dù không phải đi thuê mặt bằng. Trước khi có quyết định của thành phố Hà Nội về việc ngừng phục vụ khách hàng tại chỗ, cửa hàng tôi cũng bị giảm 40% lượng khách vì tâm lý sợ dịch bệnh, khách ngại ăn hàng, nhất là gia đình có trẻ em”, chị Nguyễn Lệ Linh, chủ hàng phở LinhLinh Cook phố Đặng Xuân Bảng chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Lệ Linh, dù trong bối cảnh khó khăn nhưng các cửa hàng và người dân đều cố gắng tuân thủ để Hà Nội cũng như Việt Nam kiểm soát dịch thành công để cuộc sống sinh hoạt sớm trở lại như xưa.
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức trên phố Dương Khuê, đường Duy Tân (quận Cầu Giấy), mặc dù lượng khách mua cơm tấm trưa, chè khá đông, thậm chí các shipper còn phải xếp hàng dài đứng đợi nhưng so với trước, lượng khách đều bị giảm vì chỉ đắt hàng vào buổi trưa. Diện tích chỉ vài m2 với 3 người bán, cửa hàng chè Sầu Thể Giao khá đông khách, nhất là trưa nắng nhưng theo chia sẻ của chủ quán, lượng khách vẫn bị giảm 30%, đa phần khách tới mua là shipper. Tâm lý người dân ít ra đường nên khách vãng lai hầu như vắng bóng.
Tuy nhiên trái ngược với những cửa hàng ăn uống chưa có thâm niên và kinh nghiệm bán hàng online thì một số cơ sở bán đồ ăn chín uy tín như: Nhà hàng Bể Cá (Tô Hiến Thành), Madam Nhung (Quán Sứ)…lại khá “ung dung” trong mùa dịch. Theo chia sẻ của các chủ cửa hàng, lượng khách không bị ảnh hưởng, thậm chí tăng trưởng hơn trước.
“Trong tình hình mới, nhiều cơ quan cho nhân viên làm việc tại nhà. Tuy nhiên, các bà mẹ vừa làm ở nhà vừa phải trông nom lũ trẻ, vừa phải thu dọn nhà cửa, nấu ăn... nên rất bận. Vì vậy, nhiều bà nội trợ đã phải đặt đồ ăn sáng và một số món mặn có thể để ở tủ lạnh lâu dài. Các món truyền thống của Nhà hàng Bể Cá như: Cổ lợn quay kiểu thái; món bò sốt vang; khâu nhục om tàu xì hay canh dưa tóp mỡ gân thăn vẫn được bán chạy”, chị Thu Hương – quản lý Nhà hàng Bể cá cho biết.
Theo chị Thu Hương, nếu như so với thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đầu tiên vào tháng 3/2020 thì đến làn sóng thứ 4 COVID-19, tâm lý người dân cũng ổn định hơn. Không có tình trạng khách chen chân đi mua đồ ăn. Trong những ngày qua, những món tiện lợi như: Bánh nếp, chả cốm, bánh mỳ sốt vang được khách đặt qua mạng mua nhiều vì phần lớn cửa hàng bán đồ ăn sáng đóng cửa.
Tuy nhiên theo quản lý Nhà hàng Bể cá, đợt dịch này nghiêm trọng nên một số tỉnh thực hiện phong tỏa, giãn cách, lượng xe khách liên tỉnh giảm hơn nên việc mua đồ nguyên liệu cũng gặp nhiều khó khăn, Nhà hàng Bể Cá phải lên kế hoạch đặt hàng sớm.
“Những đồ ăn sáng như: Xôi, cháo sườn, cháo nấm; các loại đồ uống mát cho mùa hè như: Rau má, sinh tố khoai lang, khoai sọ vẫn hút khách. Nếu như số đơn đặt tiệc, liên hoan giảm thì những đồ ăn trưa, cơm văn phòng đặt qua mạng xã hội của tôi khá tăng”, chị Nhung, chủ trang mạng bán đồ ăn Madam Nhung chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của những người bán đồ ăn uy tín, để có được lượng khách mua hàng trực tuyến, khách quen đặt hàng qua điện thoại thì điều quan trọng là cơ sở phải có uy tín, đồ ăn ngon, chất lượng, hợp vệ sinh, và đặc biệt kênh bán hàng online luôn được duy trì. Do vậy khi có quyết định giãn cách hay cách ly thì viêc mua, bán hàng không bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, trong bối cảnh COVID-19 kéo dài, công nghệ 4.0 “lên ngôi”, hàng loạt các chương trình thanh toán, mua bán trực tuyến “nở rộ” thì việc người bán hàng cần phải nhanh chóng hơn nữa để thích ứng thì mới duy trì kinh doanh ổn định; đồng thời phải luôn bảo đảm dịch vụ cung cấp tạo được niềm tin, uy tín với người dùng.