Cử nhân thất nghiệp - tại cả đôi bên: Bài cuối

Bên cạnh nỗ lực phấn đấu của mỗi sinh viên thì công tác đào tạo ở các trường mà sinh viên theo học cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh viên ra trường có làm được việc hay không. Rất nhiều trường, số lượng sinh viên tăng nhưng chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện.

Sinh viên khoa Cơ khí mong muốn ra trường có việc làm ngay (ảnh chụp tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội).


Chưa đủ thời gian thực hành

Hiện nay có rất nhiều trường chỉ chú trọng tới khâu đào tạo mà ít quan tâm định hướng cho sinh viên. Hơn nữa chủ yếu thời gian học ở trường là học lý thuyết, thời gian còn lại dành cho thực hành là rất ngắn.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo Đại học Bách Khoa cho biết: Nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu sinh viên ra trường phải làm việc được ngay. Trong khi đó, đặc thù các ngành về công nghệ, những ngành nghề như kỹ sư thiết kế hay nghiên cứu phát triển chủ yếu nặng về lý luận nên chưa thể nắm bắt ngay. “Nếu để cho họ làm việc thì 6 tháng mới có thể làm tốt”, ông Điền khẳng định.

Còn theo ông Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, với đặc thù là trường nghề nên sinh viên của trường nếu làm trái ngành nghề thì không làm được. Nghề cơ khí (cắt, gọt, tiện, sửa chữa ô tô...) hay công nghệ thông tin (quản trị mạng, thiết kế đồ họa...) có tới 90 - 100% làm đúng nghề. Tuy nhiên cũng có những khoa như quản trị doanh nghiệp 2 - 3 năm nay không có học sinh. Có thực trạng là nhiều nhà tuyển dụng đòi hỏi trình độ đại học nên nhiều sinh viên cao đẳng đã bỏ học vì khó xin việc. Trong khi đó ngành cơ khí được ưu đãi về học phí, trang thiết bị tốt và ra trường dễ kiếm việc thì lại không hấp dẫn. Hay những ngành nghề như điện công nghiệp, điện dân dụng sinh viên ra trường phải tìm việc làm ở những nơi xa vì thế rất nhiều sinh viên ngại.

Nhận xét về quá trình đào tạo sinh viên hiện nay ông Tuyến cho biết thêm, nhiều trường dân lập không đủ kinh phí đào tạo, thu không đủ chi nên phải cắt giảm chương trình, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo; thậm chí ở các trường này, còn có tình trạng chính giáo viên không có tay nghề.

Nhà tuyển dụng đau đầu

Nhiều sinh viên hiện nay ra trường nhưng không làm được việc mà chính nhà tuyển dụng phải đào tạo lại từ đầu. Có nhà tuyển dụng cho rằng nên chăng thời gian thực tập của sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần tăng thêm, từ chỗ chỉ có vài tháng hoặc một kỳ thực tập trong năm cuối thì cần cho sinh viên thực tập từ năm thứ 2 hay 3 như mô hình ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc khách sạn Hải Âu (Quy Nhơn) nhận xét, việc tuyển dụng lao động có chất lượng (có trình độ nghiệp vụ đúng với công việc doanh nghiệp cần, có kinh nghiệm ở vị trí tuyển dụng, có các kỹ năng làm việc theo nhóm...) luôn được các nhà tuyển dụng, lãnh đạo doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Việc đào tạo và nhu cầu của xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng là hai vector đi ngược chiều nhau từ rất nhiều năm nay. Xét về góc độ kinh tế, thì một sinh viên làm trái ngành nghề đã học là sự lãng phí lớn về tiền bạc, công sức của sinh viên, gia đình, nhà trường và cuối cùng là xã hội mà cụ thể là Doanh nghiệp phải đi đào tạo lại.

Hiện nay việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải tuyển dụng các sinh viên ở các ngành nghề khác vào làm việc và phải đào tạo lại cho họ có kỹ năng nghề làm việc cùng với các yêu cầu chuyên môn. Việc này làm mất thêm chi phí cho cả người lao động và doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều ngành nghề đào tạo quá nhiều nhân lực so với nhu cầu xã hội, dẫn đến việc sinh viên không có cơ hội được nhận vào làm việc, trong khi có nhu cầu thì nhà tuyển dụng buộc phải bỏ thêm chi phí lương thưởng cao để thu hút những lao động ở các đơn vị khác...

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho biết: Sinh viên ra trường phải làm việc 1 - 2 năm mới có thể biết việc, kể cả với những sinh viên khá, giỏi. Sinh viên thực tập đến công ty, nhiều khi chỉ mang tính hình thức, nhanh chóng để có kết quả nộp trường. Doanh nghiệp cũng không có thời gian hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy khi sinh viên ra trường rất khó đáp ứng được công việc ngay. Thậm chí công ty của ông trước đây có trường hợp kỹ sư cơ khí tốt nghiệp Đại học Bách Khoa phải làm bảo vệ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để dần khắc phục được thực trạng các cử nhân ra trường không có việc làm, cần phải có sự chung tay góp sức của các ban ngành liên quan, các trường đào tạo về chuyên môn nhưng cần chú trọng kỹ năng mềm cũng như định hướng công việc, dành nhiều thời gian thực hành cho sinh viên từ sớm. Về phía nhà tuyển dụng nên phối hợp với nhà trường định hướng “đầu ra” cho sinh viên ngay từ những năm đầu, không nên đòi hỏi cao về kinh nghiệm mà nên tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thể hiện mình. Gia đình mỗi sinh viên cũng nên định hướng cho họ về nghề nghiệp. Quan trọng nhất là bản thân mỗi sinh viên ngoài học tập về chuyên môn cần chú trọng học tốt ngoại ngữ và vi tính, kỹ năng mềm cũng như định hướng rõ ràng về nghề nghiệp trong tương lai.


Bài, ảnh: Tuấn Anh


Cử nhân thất nghiệp - tại cả đôi bên - Bài 1
Cử nhân thất nghiệp - tại cả đôi bên - Bài 1

Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không tìm được việc làm từ lâu đã là vấn đề nan giải. Để xảy ra tình trạng này, bên cạnh những bất cập của chính sách vĩ mô về lao động, việc làm, còn có nguyên nhân từ chính người học và chương trình đào tạo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN