Đây là 3 Luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ tán thành cao và Chủ tịch nước đã có Lệnh Công bố.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cũng như bảo đảm tính đặc thù của đầu tư theo phương thức PPP.
Luật Doanh nghiệp 2020 gồm 10 chương, 218 điều, với những cải cách quan trọng nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực và phổ biến ở khu vực cũng như quốc tế.
Luật được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, các thủ tục hành chính được cắt giảm và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Bên cạnh đó, Luật nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sửa hữu nhà nước; tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp, bảo đảm tương thích với Luật Cạnh tranh 2018 đối với các quy định về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp. Đồng thời bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn như quy định hiện hành).
Luật Đầu tư 2020 gồm 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục, gồm 5 nội dung chính. Đó là, về nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan; về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư và về quản lý nhà nước và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Thông qua Luật Đầu tư 2020 tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Với mục tiêu ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác, ngày 18/6/2020, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức PPP, với 11 chương, 101 điều.
Việc ban hành Luật PPP xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách. Đồng thời hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.
Luật PPP tập trung vào các nội dung về lĩnh vực đầu tư, quy mô đầu tư, phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Hội đồng thẩm định dự án PPP, về vốn nhà nước trong dự án PPP, về lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, huy động vốn của doanh nghiệp dự án, về Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP, về Dự án BT...
Đối với kế hoạch triển khai thực hiện Luật PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Chính phủ dự kiến ban hành 3 Nghị định hướng dẫn về các nội dung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì); quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì); quy định về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Bộ Tài chính chủ trì).
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức PPP được kỳ vọng là cú hích để Việt Nam thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế thời kỳ hậu COVID-19.