Công ty Bang Joo Electronics là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất camera, được thành lập từ năm 2014 với diện tích nhà xưởng ban đầu chỉ 2,3 ha và tổng vốn đầu tư 40 triệu USD. Sau 2 năm đi vào hoạt động, với uy tín, thương hiệu và chất lượng sản phẩm vượt trội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty ngày càng phát triển.
Công ty Bang Joo Electronics Việt Nam. Ảnh: vcam.edu.vn |
Để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, năm 2015, công ty đã đầu tư xây dựng thêm nhà máy thứ 2 có tổng diện tích trên 5,3 ha, tăng vốn đầu tư lên 70 triệu USD. Đây là doanh nghiệp có tiến độ mở rộng diện tích nhanh và có tổng vốn đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khuyến khích công ty tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, chấp hành tốt những quy định của Việt Nam và của tỉnh; xây dựng mối quan hệ hợp tác với các cấp chính quyền địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài những lưu ý về giữ gìn môi trường sinh thái, phòng chống cháy nổ, chăm lo tốt đời sống cho người lao động, bảo đảm an toàn trong sản xuất, Chủ tịch tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành huyện Bình Xuyên tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất của Công ty Bang Joo Electronics.
Theo Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, kết thúc 3 quý của năm 2016, các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc có thêm 12 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, trong tổng số 195 dự án còn hiệu lực đầu tư trong các khu công nghiệp tỉnh, đã có 160 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, chiếm trên 82% tổng số dự án;
16 dự án đang triển khai xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị và bồi thường giải phóng mặt bằng; 8 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động, giải thể doanh nghiệp trước thời hạn hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; còn lại là các dự án FDI cấp mới, đang làm thủ tục triển khai.
Đây là một tín hiệu rất đáng mừng bởi nhiều năm trước đây tại các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc đã diễn ra tình trạng doanh nghiệp, dự án đăng ký vào khu công nghiệp nhưng lại bỏ hoang đất hoặc có nhà xưởng nhưng không sản xuất bởi sản phẩm làm ra khó cạnh tranh.