Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) Trương Gia Bình cho hay: Mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài là định hướng của nhiều doanh nghiệp làm phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng.
Doanh nghiệp công nghệ thông tin đang thực hiện các bước đi chiến lược. Ảnh: Lực Vũ - TTXVN |
Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Viettel, VNPT, FPT và những doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến như DolSoft, MK Group... Trong đó, Viettel đã mở rộng phạm vi kinh doanh viễn thông tại 10 quốc gia trên toàn thế giới và đem lại doanh thu 1,5 tỷ USD. Đáng nói, các giải pháp công nghệ do Viettel nghiên cứu chế tạo, được áp dụng cho các mạng viễn thông của tập đoàn trên thị trường quốc tế là lợi thế cạnh tranh không hề nhỏ của Viettel so với các đối thủ.
Hay như FPT đã góp phần khẳng định thương hiệu của ngành CNTT Việt Nam trên toàn cầu thông qua việc cung cấp dịch vụ, giải pháp theo các xu hướng công nghệ mới nhất cho các tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng, truyền hình vệ tinh, sản xuất ti vi, tự động hóa...
Theo Vinasa, Nhật Bản là thị trường thu hút sự tham gia sôi động nhất của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam trong những năm gần đây. Nhiều công ty lớn cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Nhật như: FPT Software, TMA, Luvina, Vietsoftware Intenational, Tinh Van Outsourcing…
Ông Nguyễn Liên Phương cho biết thêm: Để vươn ra thế giới, doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp CNTT nói riêng cần đặt ra 2 tiêu chuẩn: Tư duy theo ngôn ngữ và cảm nhận của toàn cầu; tinh thần khát khao dân tộc. “Sau 6 năm, chúng tôi quy tụ được cộng đồng đông, đã có 35.000 doanh nhân trong toàn quốc kết nối, trong đó có nhiều doanh nghiệp CNTT. Tôi muốn đề xuất thành lập Câu lạc bộ Thương hiệu Việt hội nhập, chứ không phải chỉ gia công. Thương hiệu Việt có thể đàng hoàng đi ra nước ngoài nhưng ở trên kệ hàng của người ta thương hiệu Việt còn yếu…”, ông Phương nhận định
Tâm sự về “con đường” dẫn tới thành công của Viettel khi tiến ra thị trường toàn cầu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Năm 2006, Viettel chỉ bằng 30% hiện nay, doanh thu và lợi nhuận bằng 1/30, 1/40 bây giờ. Lúc đó Viettel đi ra nước ngoài với tư duy số 1 là ra ngoài cạnh tranh để học hỏi, cạnh tranh với các ông lớn để về Việt Nam làm tốt hơn. Sau đó mới là câu chuyện mở rộng thị trường, hợp tác quốc tế, bảo vệ đất nước từ xa”.
Theo ông Hùng, định hướng chiến lược phát triển, từ năm 2017, Viettel sẽ đẩy mạnh các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) đối với công ty trong giai đoạn bắt đầu (startup) đã có hình hài, tiềm năng. Thời điểm hiện nay, Viettel rất muốn đổ tiền đầu tư cho những startup có ý tưởng đã thành hình hài. Viettel đang có thị trường rất lớn, khi đi ra nước ngoài thường kéo theo nhiều công ty trong nước và đó là cơ hội cho các startup. Điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam là nguồn nhân lực. Có thể nhận thấy, nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam khá dồi dào, chất lượng tốt, có khả năng nắm bắt rất nhanh công nghệ mới. Chi phí nhân lực rất cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ tốt cho phát triển của ngành và của các doanh nghiệp như ưu đãi về thuế, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ như hỗ trợ doanh nghiệp lấy chứng chỉ về năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (CMMi), chứng chỉ bảo mật an ninh thông tin quốc tế 27001…
Ông Hùng Đinh, CEO DesignBold nhấn mạnh: Các doanh nghiệp Việt hãy nghĩ cách khai thác thị trường quốc tế ngay từ khi thành lập, bởi vì làm tốt thị trường trong nước rồi mới lấn sân ra nước ngoài là cách nghĩ lạc hậu. Năng lực CNTT của kỹ sư Việt rất tốt, chỉ có điều chủ doanh nghiệp không biết khai thác hiệu quả. Các doanh nghiệp Mỹ, Nhật vẫn qua Việt Nam “mua chất xám” thông qua việc gia công phần mềm. Sự sáng tạo về công nghệ của các doanh nghiệp Việt không thua kém bất cứ ai.
Ngay sau khi được công ty khởi nghiệp xe điện PEGA (trước có tên là HKbike) chia sẻ kế hoạch đi ra thị trường nước ngoài và 5 năm nữa sẽ có thể bán được sản phẩm xe điện ra 10 nước trên thế giới, Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra lời hứa ngay trong năm 2017 sẽ đưa startup này sang tìm hiểu thị trường Peru, xúc tiến giúp xe điện của PEGA có mặt tại ngay 500 cửa hàng của Viettel tại thị trường này. |