Nhiều nơi cùng tăng trưởng
Hiện nay, con tôm đã được nhiều địa phương đưa vào chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm. Hiệu quả kinh tế con tôm mang lại cho người nuôi, doanh nghiệp không hề nhỏ với kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD.
Chính vì vậy, phát triển con tôm theo yêu cầu của người tiêu dùng đang thúc đẩy các kế hoạch phát triển ngành tôm của mỗi địa phương. Điển hình như tại Cà Mau, Sóc Trăng có con tôm sinh thái dưới tán rừng, tôm - lúa hữu cơ. Tại các địa phương khác có côn tôm quảng canh cải tiến, tôm nuôi siêu thâm canh như Bạc Liêu, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà…
Kết thúc một năm đầy biến cố, con tôm tại các địa phương đã mang về kết quả mỹ mãn trong bối cảnh đầy khó khăn như vừa qua. Tại Cà Mau, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 nhưng ngành tôm Cà Mau đã có bước tiến đáng kể và là một điểm sáng trong phát triển kinh tế ở Cà Mau. Không chỉ sản lượng tôm nuôi vẫn tăng trưởng dương mà giá trị xuất khẩu cũng đạt khá cao, vượt kế hoạch đề ra.
Theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau, trong thời gian vừa qua, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau trước tiên là chống dịch hiệu quả, sau đó là đảm bảo hoạt động sản xuất. Thế mạnh trong sản xuất thủy sản của tỉnh là con tôm nên rất được quan tâm.
Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau hoạt động bình thường. Xuất khẩu tôm cũng đạt kết quả rất tốt, 1,1 tỷ USD. Thêm vào đó, giá và thị trường rộng mở, sản xuất bao nhiêu là nước ngoài mua hết. Trong những thị trường nhập khẩu tôm Cà Mau, thị trường Hoa Kỳ vẫn đứng đầu. Riêng thị trường châu Âu có chiều hướng tăng mạnh nhập khẩu tôm Cà Mau.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Minh Cường nhận xét, xuất khẩu tôm năm 2021 "khó trong nhưng thuận ngoài".
Bởi khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch làm chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển tăng. Nhưng ngược lại, các nước trên thế giới đồng loạt mở cửa, thị trường rộng mở. Điều đáng lo là doanh nghiệp không đủ hàng hóa để có thể đáp ứng các khách hàng muốn kì hợp đồng cho năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tỉnh Sóc Trăng có kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2021 cao nhất cả nước, đạt 1,3 tỷ USD, vượt 28% kế hoạch đề ra từ đầu năm, tăng gần 15% so với kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 của tỉnh.
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, sự tăng trưởng về xuất khẩu tôm trong năm 2021 đả giúp tỉnh Sóc Trăng vượt qua được nhiều địa phương khác có thế mạnh về con tôm. Những doanh nghiệp đóng góp lớn trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu tôm của Sóc Trăng là Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty TNHH Khánh Sủng, Công ty TNHH Tài Kim Anh, Công ty TNHH Kim Anh, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi…
Nỗ lực duy trì
Sau biến cố dịch bệnh COVID-19 vừa qua, ngành tôm cũng đã chịu ảnh hưởng năng nề. Dù kết quả xuất khẩu khả quan, nhưng cũng là nỗi lo của toàn ngành tôm, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm bởi dự báo thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đốc thúc các địa phương lên kế hoạch sản xuất tôm đủ số lượng, đạt chất lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu trong năm 2022.
Theo đó, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản số 2236/TCTS-NTTS gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển có nuôi tôm về việc hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2022.
Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển căn cứ vào khung mùa vụ chung và tình hình thực tế ở từng địa phương để xây dựng lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ cụ thể, phù hợp cho từng vùng sinh thái trên địa bàn.
Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương phổ biến lịch mùa vụ, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý tốt việc thả giống, điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời khi có yêu cầu để phù hợp với thực tế sản xuất.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh có sản xuất tôm khuyến cáo các cơ sở, vùng nuôi liên kết với Hiệp hội tôm giống, cơ sở sản xuất giống, cơ sở sản xuất, cung ứng thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường có uy tín để có con giống và vật tư chất lượng tốt phục vụ sản xuất; hướng dẫn người nuôi thực hiện quy trình nuôi 2-3 giai đoạn, thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, ngành tôm nước ta đang có cơ hội với nền tảng về tiềm năng, lợi thế tự nhiên, với đội ngũ doanh nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu. Sự quyết tâm vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị từ Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương đến doanh nghiệp, người dân sẽ tiếp tục tạo đà cho sản xuất phát triển.
Đặc biệt, các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam ký kết sẽ mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm tôm. Mục tiêu đầu tiên trong năm nay là duy trì tốt sản lượng, cung cấp nguyên liệu có chất lượng cao cho chế biến.
Đây là yếu tố quan trọng vì lĩnh vực thủy sản dễ bị tác động bởi thời tiết, đặc biệt trong tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu như hiện nay và sự cạnh tranh khốc liệt tại các thị trường nhập khẩu. Mục tiêu tiếp theo là xử lý các vấn đề tồn tại trong chuỗi liên kết như tổ chức sản xuất, chế biến, chiến lược duy trì và phát triển thị trường.
Sau nhiều biến động, ngành tôm nói chung, các doanh nghiệp, người nuôi tôm nói riêng đều nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất tôm để đảm bảo được nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ cho xuất khẩu, giữ vững vị thế con tôm Việt trên thị trường thế giới.