Gần Tết Nguyên đán cũng là thời điểm nông dân huyện Thới Bình tất bật vào vụ thu hoạch tôm càng xanh để kịp đón Tết. Dù giá tôm càng xanh có giảm hơn đôi chút nhưng người nuôi tôm vẫn có lãi.
Anh Nguyễn Văn Nguyễn, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình cho hay, so với năm trước, giá tôm càng xanh có giảm đôi chút, nhưng trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì như vậy vẫn còn khá ổn. Hiện thương lái thu mua tôm càng xanh loại 30 con/kg với giá từ 95.000-105.000 đồng/kg.
“Trong hệ canh tác tôm lúa, tôm càng xanh là một trong ba nguồn thu của gia đình. Ngoài lúa, gia đình còn thả nuôi kết hợp tôm càng xanh, tôm sú và cua biển. Vào thời điểm cận Tết, thu nhập từ tôm càng xanh giúp gia đình có cái Tết ấm no hơn. Thông thường mỗi vụ tôm cận Tết, anh thu được từ 40-50 triệu đồng”, anh Nguyễn phấn khởi.
Từ thực tiễn nhiều năm đã chứng minh, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa là hướng đi đúng và khẳng định được hiệu quả, tiềm năng giúp nông dân tăng thêm thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Ðông chia sẻ, giờ đây tôm càng xanh thực sự giúp nông dân tăng thu nhập. Dù thời gian nuôi kéo dài, mỗi năm chỉ 1 vụ nhưng với kinh nghiệm, nhiều nông dân trong ấp thử nghiệm thả nuôi sớm nên thu hoạch không còn tập trung, ùn ứ. Người có điều kiện có thể để tôm phát triển đến khoảng tháng 1 năm sau. Khi đó cuối vụ, tôm vừa tăng trọng lượng, vừa có giá.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện Thới Bình cho biết, kinh nghiệm kéo dài thời gian sinh trưởng của tôm càng để chờ giá của bà con cũng phù hợp với kỹ thuật. Bởi, tôm càng xanh có thể sinh trưởng tốt ở nguồn nước ngọt và nước lợ.
Hiện nay, nước trong ruộng lúa đang ngọt, nhưng khoảng vài tuần nữa sẽ bắt đầu mặn dần. Bà con vừa trữ nước ruộng giúp lúa trổ tốt, vừa có thể tận dụng rạ và lúa rơi khi thu hoạch rồi châm thêm nước từ sông vào ruộng với lượng vừa phải thì tôm sẽ có nguồn thức ăn dồi dào, phát triển tốt.
“Vụ mùa 2021-2022, riêng Thới Bình có trên 14.000 ha lúa được bà con kết hợp thả nuôi tôm càng xanh. Thuận lợi của thời tiết và tuân thủ lịch mùa vụ, năng suất tôm càng năm nay vượt trội hẳn so với mọi năm. Ðồng thời, thời gian thu hoạch cũng được kéo giãn, không tập trung để tránh ùn ứ và biến động giá”, ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Tỉnh Cà Mau có tiềm năng thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là tôm. Tổng diện tích tôm càng xanh được thả nuôi khoảng 16.329 ha, theo ước tính vụ tôm càng năm nay toàn tỉnh Cà Mau thu hoạch trên 2.800 tấn, riêng Thới Bình năng suất ước đạt 2.200 tấn.
Hiện, huyện Thới Bình đã nắm danh sách, nhu cầu cung ứng và xuất bán của toàn bộ thương lái trên địa bàn. Cao điểm của vụ thu hoạch, 32 cơ sở thu mua ở địa phương đang chạy hết công suất khắp các cánh đồng, tuyến dân cư để thu mua tôm kịp đáp ứng các đơn hàng. Qua đó, nhiều thương lái có khả năng đảm bảo cung ứng ra thị trường mỗi ngày đến 1,5 tấn tôm càng xanh theo các đơn hàng truyền thống.
Một tín hiệu tích cực nữa giúp người nuôi tôm thêm yên tâm khi các khâu liên kết, tiêu thụ cho sản phẩm đã được đảm bảo. Theo đó, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp đã có liên kết trong tiêu thụ tôm càng xanh của nông dân trong tỉnh. Hiện đã liên kết tiêu thụ hơn 2.200 tấn tôm càng của huyện Thới Bình. Ðến thời điểm hiện nay đã có thương lái xuất tôm càng xanh sang thị trường Campuchia; các thị trường tiềm năng khác như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, An Giang, Cần Thơ... đều có lượng tiêu thụ ổn định.
Ngành nông nghiệp kỳ vọng, cơ chế dẫn ngọt của Dự án Cái Lớn - Cái Bé một khi được vận hành thì chắc chắn mặn sẽ ít xâm lấn vào đồng ruộng ở Thới Bình. Do đó, việc quy hoạch phát triển lúa - tôm càng thêm bền vững…