'Cởi trói' cho doanh nghiệp nhà nước

Mặc dù được kỳ vọng sẽ là những “quả đấm thép” giúp nền kinh tế mạnh mẽ vươn lên, nhưng thực tế cho thấy khối doanh nghiệp nhà nước vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là sử dụng vốn chưa hiệu quả.

Chú thích ảnh
Công ty cổ phần Chế tạo máy – Vinacomin (Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản) chuyên chế tạo, sửa chữa thiết bị phụ tùng ngành than và các sản phẩm. Ảnh minh họa: Thanh Hà/TTXVN

Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng?. 

Chưa xứng với tiềm năng

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường. Cùng đó, phải kể đến những đóng góp về lao động, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh.

Có thể nhận thấy, các doanh nghiệp nhà nước hiện diện trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong số đó, các doanh nghiệp ngành năng lượng như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam... Ngành tài chính ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam (BIDV)... Ngành viễn thông như: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty Viễn thông MobiFone... đang hoạt động khá hiệu quả, có tỷ suất lợi nhuận cao và đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, còn đó không ít những doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Đơn cử như 12 đại dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương vừa qua là một ví dụ phản ánh rõ điều này.

Theo báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ở các ngành nghề như chế biến, chế tạo, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, đóng góp chủ yếu từ doanh nghiệp khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI). Trong ngành điện tử, 95% kim ngạch xuất khẩu  đến từ khối doanh nghiệp FDI. Đối với ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhưng chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, tính lan tỏa và giá trị gia tăng không cao, chưa có tác động bền vững đối với môi trường. Đối với ngành công nghiệp hóa chất, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chủ yếu tập trung ở lĩnh vực hóa chất tiêu dùng, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt, lan tỏa. Trong khi đó, ngành thép với Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) thì khả năng cạnh tranh thấp, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp...

Đặc biệt, khối doanh nghiệp nhà nước ngành cơ khí hoạt động yếu kém như: Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp đều thua lỗ; Tổng công ty Máy và Thiết bị nông nghiệp-VEAM hoạt động hiệu quả, nhưng không phải nhờ sản xuất kinh doanh mà chủ yếu từ chia lãi liên doanh...

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, xuất phát từ việc doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy hết tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2015/QH13) và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã quy định chi tiết về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quy trình, thủ tục của cơ quan đại diện chủ sở hữu thường có độ trễ nhất định, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đòi hỏi những quyết định nhanh, kịp thời để nắm bắt và đón cơ hội đầu tư.

“Đồng thời, một số cơ chế, chính sách (tiền lương, quỹ khoa học công nghệ…) chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Chính điều này  làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và vai trò của doanh nghiệp nhà nước”, ông Trung nói.  

TS Nguyễn Quang Tuấn, Ban Nghiên cứu Sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng, doanh nghiệp nhà nước dường như đang bị những "trói buộc" vô hình, thiếu quyền tự chủ. Nhiều chính sách đang cản trở các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào đầu tư mạo hiểm, đổi mới sáng tạo. Mặc dù Đảng, Nhà nước có chủ trương và chính sách cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm và đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, song chưa được thể chế hóa.

Đơn cử như Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC chỉ cho phép Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp “đối ứng với các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh”.

“Đầu tư phát triển và thương mại hóa công nghệ là hoạt động rất rủi ro, chi phí lớn. Nếu không có bàn tay của Nhà nước, hoạt động này khó phát triển. Một số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như Huawei đều cần sự hỗ trợ của Nhà nước (trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới) để duy trì sự phát triển trên thị trường quốc tế. Do vậy, cần mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi chính sách từ quản lý đầu vào sang quản lý mục tiêu và quản lý dựa trên kết quả”, ông Tuấn cho hay.

Tìm lại sức mạnh

Theo PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Cảng hàng không Vân Đồn – Quảng Ninh do SunGroup đầu tư được hoàn thành chưa đầy 3 năm. Tuy nhiên, có ý kiến đưa ra so sánh với Dự án xây nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư, sau hơn 2 năm vẫn bế tắc và chưa thể khởi công.

“Vấn đề ở đây có phải do doanh nghiệp nhà nước kém hơn doanh nghiệp tư nhân?. Tôi cho rằng không phải. Việc thi công các nhà ga hoàn toàn do nhà thầu thi công, kể cả là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân cũng phải đấu thầu... Vậy lý do ở đây phải chăng đến từ thủ tục đầu tư phức tạp, chưa tạo được sự chủ động cho doanh nghiệp?”

PGS. TS. Hồ Sỹ Hùng kiến nghị, hiện nay đang thiếu đầu mối đồng bộ các chính sách của các bộ, ngành. Do vậy, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành để đẩy nhanh các thủ tục đầu tư. Đồng thời, tập trung vào việc xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới, tạo điều kiện hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. 

Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, trước mắt phải coi trọng việc xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu. Xem xét sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện với các định hướng đột phá, tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp nhà nước; trong đó, nhà nước quản lý theo mục tiêu và giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, định kỳ thực hiện vai trò quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động, đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án, hoạt động cụ thể.  

Ông Tuấn cũng kiến nghị cần mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp nhà nước để phát triển các hạ tầng nền tảng, ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai; tạo cơ chế chính sách để doanh nghiệp nhà nước tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới thông qua việc sử dụng nguồn lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoặc cùng các doanh nghiệp nhà nước khác phối hợp thực hiện.

Đức Dũng (TTXVN)
Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong doanh nghiệp nhà nước
Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong doanh nghiệp nhà nước

Sáng 27/4, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thiết thực hướng tới kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), 46 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN