Cạnh tranh gia tăng, khách hàng lớn sẽ chỉ chọn lựa sản phẩm của các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh. Vì vậy, cổ phiếu ngành thép được dự báo có thể vẫn còn dư địa tăng trưởng, nhưng cơ hội không chia đều cho tất cả các mã cổ phiếu mà sẽ có sự phân hóa mạnh.
Thực tế, cổ phiếu ngành thép đã có diễn biến “lình xình” cùng với xu thế của thị trường chung. Tính từ phiên mở cửa phiên giao dịch đầu năm mới (ngày 2/1/2019) đến chốt phiên ngày 18/6/2019, cổ phiếu HPG giảm 0,069%, NKG cũng gần như đi ngang khi giảm từ 6.140 đồng/cổ phiếu xuống mức giá 6.100 đồng/cổ phiếu. Các mã HSG, TVN cũng có giao dịch giằng co, đi ngang trong giai đoạn từ đầu năm đến nay.
Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng giảm lãi suất trong tháng 7 tới, trong khi giá hàng hóa vẫn duy trì ở mức cao; trong đó có các mặt hàng thép là yếu tố hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này. Nhưng cần lưu ý, năm 2019, Việt Nam đang chịu áp lực lớn về lạm phát, tỷ giá cũng như lãi suất tăng sẽ khiến các doanh nghiệp thép gặp những khó khăn.
Ông Lê Đức Khánh cho rằng, những yếu tố tác động mạnh lên ngành thép là biến động địa chính trị, kinh tế vĩ mô thế giới; trong đó, phải kể đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, hay nguồn cung thép đang bị ảnh hưởng từ vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt ở Brumadinho, bang Minas Gerais, Brazil.
Việc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đi vào hoạt động giúp ổn định thị trường thép Việt Nam, nhưng cũng sẽ khiến cạnh tranh giữa nhiều doanh nghiệp thép trong nước gia tăng. Bên cạnh đó, giá thép tăng mạnh trong giai đoạn qua cũng là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội, bởi vị thế thị phần của các doanh nghiệp là khác nhau.
Ông Lê Đức Khánh nhìn nhận, giai đoạn còn lại của năm 2019, thị trường bất động sản vẫn còn dư địa phát triển nên nhóm cổ phiếu ngành thép vẫn có những cơ hội phát triển nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển còn tùy thuộc vào vị thế của doanh nghiệp, khách hàng lớn sẽ chỉ chọn lựa sản phẩm của các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, nhiều ưu đãi, giá cả cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Duy Định, chuyên viên chăm sóc khách hàng cao cấp công ty Chứng khoán MB - MBS, ngành thép đang đối diện với chi phí đầu vào như giá điện, giá dầu, giá quặng đều tăng sẽ làm biên lợi nhuận (mức chênh lệch giữa giá bán của một sản phẩm và chi phí sản xuất cộng với chi phí tiêu thụ) của ngành có nguy cơ thấp, cộng với thị trường tiêu thụ có thể gặp khó khăn vì ngành bất động sản đang có dấu hiệu chững lại.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng đó là những doanh nghiệp đầu ngành thép có quy mô sản xuất lớn có thể tìm được hợp đồng từ các công trình xây dựng lớn, hoặc tìm kiếm được các thị trường xuất khẩu mới.
Ông Nguyễn Duy Định cho rằng, triển vọng ngành thép trong ngắn hạn được đánh giá trung lập, không quá tích cực nhưng cũng không tiêu cực.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, nhu cầu tiêu thụ thép tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 10% đối với thép dài và thép dẹt thành phẩm trong các năm tới. Đối với thép dài, hầu hết được tiêu thụ trong nước, trong khi có khoảng 1/3 - 1/2 tổng sản lượng thép dẹt được xuất khẩu.
Đối với thép dài, MBS dự báo tiêu thụ ở mức xấp xỉ 12 triệu tấn trong năm 2019, tiêu thụ trên tổng công suất ngành ở mức khoảng 68%. Cạnh tranh ở mảng này sẽ gia tăng ở mức vừa. Đối với sản phẩm tôn mạ, tiêu thụ sẽ ở mức 4,5 - 5 triệu tấn, trong khi tổng công suất ngành ở mức 7,5 - 8 triệu tấn vào năm 2019.
Về lĩnh vực sử dụng, nguồn tiêu thụ thép chính tại Việt Nam là các công trình thương mại và dân dụng có dấu hiệu chậm lại trong vài năm tới.
Việc tăng công suất của 5 nhà máy sản xuất lớn nhất đã ở mức khoảng 2,2 triệu tấn, tương đương khoảng 1/2 tổng lượng tiêu thụ và xuất khẩu trong năm 2017. Do vậy sẽ có cạnh tranh gay gắt trong mảng sản phẩm này.
Bên cạnh những yếu tố của ngành thì nội bộ doanh nghiệp cũng có những khó khăn riêng. Một số doanh nghiệp có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu rất cao khiến các doanh nghiệp này chịu áp lực về dòng tiền.
Đánh giá về thuận lợi cho sự phát triển của ngành, nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS cho biết, các công trình công nghiệp có thể tăng lên nhờ vốn FDI tăng và chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng. Chi tiêu cơ sở hạ tầng ở Việt Nam luôn tăng trưởng ở hai con số kể từ năm 2012. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang trong giai đoạn bắt đầu, ví dụ như tuyến Metro TP Hồ Chí Minh, Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, nhiều đường cao tốc và cầu quanh thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh...
Nhóm phân tích từ MBS nhận định: “Thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu sẽ hết hạn vào 2020 - 2021. Dù vậy, với xu hướng bảo hộ đang gia tăng trên thế giới và tầm quan trọng của ngành thép đối với Việt Nam, chúng tôi cho rằng thuế tự vệ sẽ tiếp tục được áp dụng. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên toàn cầu cũng là sức ép đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều. Cạnh tranh về giá sẽ diễn ra trong những năm tới, đặc biệt là đối với các phân khúc thép dẹt và tôn mạ.”
Dù cạnh tranh trong ngành có phần gay gắt, với năng lực từ phía cung gia tăng và áp lực từ thép thế giới, MBS vẫn đánh giá ngành thép Việt Nam là tích cực trong dài hạn do môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Chính phủ và dòng vốn FDI tiềm năng "chảy" vào Việt Nam.
“Ngành thép Việt Nam có sự ổn định cao hơn thế giới do có tốc độ tăng trưởng và mức độ tập trung cao. Các doanh nghiệp lớn vẫn chiếm đa số thị phần, do vậy giá thép trong nước khá ổn định”, MBS nhận định.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tăng trưởng ngành thép vẫn khả quan. Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng khá nhờ kết quả sản xuất tích cực trong tháng Năm của một số ngành; trong đó có ngành chế biến, chế tạo.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, sản xuất các sản phẩm thép đạt hơn 10,5 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018; bán hàng các sản phẩm thép đạt trên 9,7 triệu tấn, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, xuất khẩu thép đạt trên 2 triệu tấn, tăng 6 % so với cùng kỳ 2018.