Giá cổ phiếu (CP) trên thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn tiếp tục giảm bởi nhiều yếu tố bất lợi đang chi phối như lãi suất ngân hàng đứng ở mức cao, tín dụng bị thắt chặt đối với khoản vay nhằm mục đích đầu tư CP... Nhưng, việc giá CP trên TTCK giảm xuống mức thấp với VN - Index ở mức 256 điểm, còn HNX - Index chỉ bằng hơn 50% mức điểm khi khai trương sàn (58 điểm) khiến các nhà đầu tư lại bắt đầu suy nghĩ về cơ hội đầu tư của mình.
Giá cổ phiếu rẻ như... rau
Rời TTCK đã 2 năm nay, giờ nhìn lại, chị Nguyễn Thị Thu Hà, mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán Gold Bridge Khâm Thiên – Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng khi hầu hết giá CP trên cả hai bảng điện tử (bảng giá CP) của sàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay mỗi cổ phiếu có loại chỉ có giá vài nghìn đồng.
Theo thống kê của chị Hà, CP của các doanh nghiệp chứng khoán có giá trung bình thấp nhất, phổ biến ở mức 2.000 – 2.500 đồng/CP. Kế đến là CP của các doanh nghiệp bất động sản, giá trung bình khoảng 5.000 – 8.000 đồng/CP. Thậm chí, không ít CP trên sàn đang có mức giá trên dưới 1.000 đồng/CP như VKP, CAD, BAS, MHC, TRI, VSG...
Theo chị Hà, tất nhiên giá CP rơi về mức thấp hiện nay không phải ngẫu nhiên (do doanh nghiệp lỗ, ngành nghề vào suy thoái...), nhưng trong số các CP rơi về mức giá thấp, vẫn có các CP tốt xét ở các tiêu chí không nợ nần, giá trị sổ sách lớn, kinh doanh vẫn có doanh thu, lợi nhuận, tuy không bằng năm trước.
“Nếu đầu tư theo quan điểm lâu dài (1 – 3 năm) thì các CP của doanh nghiệp nhóm sản xuất hàng tiêu dùng cơ bản, thiết yếu như đường, bánh kẹo, sách giáo khoa, cao su... là những địa chỉ đầu tư tốt. Điều này được minh chứng khi chỉ xét về lợi nhuận thu được từ việc doanh nghiệp trả cổ tức, ví dụ, một CP giá 11.000 đồng mà cổ tức 18% - 20%/năm là đã hơn lãi ngân hàng hiện nay (ngân hàng là 14%/năm). Tôi sẽ cơ cấu các tài sản hiện nay để dành một phần vào chứng khoán từ thời điểm này!”, chị Hà quả quyết.
Đã đến thời điểm giải ngân?
Trong hội nghị Chính phủ mở rộng tổ chức giữa tuần trước (22/12), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, trong điều hành kinh tế năm 2012, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Theo ông Đinh Anh Kim, Giám đốc chi nhánh Chương Dương - Hà Nội (Công ty Chứng khoán APEC) với thông tin này, đối với các NĐT ngắn hạn, TTCK chưa có cơ hội tăng điểm. Nhưng, đối với các NĐT dài hạn, thông tin này là tín hiệu tích cực bởi nếu Chính phủ nhất quán chính sách này, kinh tế Việt Nam sẽ dần giải quyết được các bất ổn hiện nay, để phục hồi mang tính bền vững hơn.
Ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc một quỹ đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội cho biết, dù TTCK rơi xuống đáy, nhưng thời gian loanh quanh ở đáy ít nhất sẽ mất từ 6 – 9 tháng. Nhưng sau đó, TTCK sẽ có thể tích cực hơn chứ không xấu đi. “Như vậy, với chúng tôi, thời điểm này là cơ hội giải ngân tốt, nếu chờ đến khi kinh tế vĩ mô của Việt Nam phát tín hiệu tốt mới giải ngân, e rằng hơi chậm và mất cơ hội chọn danh mục tốt nhất!”, ông Tùng nêu quan điểm.
Xuân Hương