Phát biểu tại hội thảo, bà Lại Việt Anh, Cục Phó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng năm 2020 doanh số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh. Với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, quy mô thị trường TMĐT B2C của Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỉ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
“Năm 2020 và đầu năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế dưới tác động của dịch COVID-19, TMĐT trở thành phương thức kinh doanh chiến lược giúp nhiều doanh nghiêp phát triển kênh phân phối mới an toàn, hiệu quả. Theo nghiên cứu của Nielsen, từ đại dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm trên TMĐT tăng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu chú trọng đưa TMĐT vào chiến lược phát triển dài hạn để ứng phó với khủng hoảng COVID-19 và tạo dựng kênh phân phối mới nhằm tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng”, bà Lại Việt Anh cho biết.
Đánh giá TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh xuất khẩu hiệu quả, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, việc bán hàng qua các sàn TMĐT cũng là một trong những cách nhanh nhất để các doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó đưa hàng hóa xuất khẩu ra toàn cầu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong năm 2021, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng 5% so với thực hiện năm 2020; giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến dự kiến chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 5%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 20,4 tỷ USD. Trong đó, các thị trường xuất khẩu của Hà Nội chủ yếu là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử - máy tính, máy móc thiết bị, nông sản, đồ gỗ, phương tiện vận tải.
“Do vậy, để đạt được chỉ tiêu xuất khẩu nêu trên, bên cạnh xuất khẩu truyền thống thì xuất khẩu qua các kênh TMĐT như Amazon, Alibaba ... cũng rất cần thiết”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Tại hội thảo, Bộ Công Thương đã chính thức công bố kế hoạch hợp tác mở rộng cùng Amazon Global Selling với chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa”. Chương trình này nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam trên hành trình vươn mình ra thế giới thông qua việc cung cấp kiến thức TMĐT xuyên biên giới, hỗ trợ quá trình thiết lập và vận hành gian hàng trên Amazon, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh để phát triển doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu.
Có rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ tại Việt Nam đang bán hàng trên Amazon, từ các thương hiệu có tiếng tăm lớn như Cà phê Trung Nguyên, Giày Biti’s, đến các nhà sản xuất nội địa hàng đầu như MDK và các công ty khởi khiệp như Andre Gift Shop hay Mary Craft. Chỉ trong năm 2020, số lượng người bán hàng Việt Nam ghi nhận doanh số trên 1 triệu USD đã tăng gấp 3 lần.