Cơ hội xuất khẩu cho dệt may, da giày, nông sản

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là hiệp định chất lượng cao nhưng được đánh giá sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cả cho Việt Nam. Đặc biệt, nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông sản... sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU.

Xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU được hưởng lợi. Ảnh: Trần Việt - TTXVN.


Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hiệp định EVFTA là hiệp định chất lượng cao, mức độ tự do hóa rất sâu và rộng cả về thương mại, đầu tư và dịch vụ. Có những điều khoản hiệp định EVFTA còn cao hơn cả HIệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP) như việc mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp... Theo TS Thành, EVFTA là hiệp định mà các bên đối tác có tính bổ sung cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh, vì vậy sẽ có tác động tích cực cho các đối tác tham gia, nhất là về thương mại. Về phía Việt Nam, sẽ có nhiều cơ hội hơn khi Việt Nam có nhiều mặt hàng có lợi thế và đang xuất khẩu nhiều vào EU như dệt may, da giày, nông sản.

Bên cạnh đó, hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn, đặc biệt là sau khi ký kết EVFTA, sẽ có dòng chảy FDI lớn với công nghệ cao hơn và nguồn vốn lớn hơn từ các nước EU vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thậm chí, các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng hoàn toàn có thể tham gia vào các dịch vụ trung gian cùng các doanh nghiệp FDI, tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ để cung ứng cho các doanh nghiệp châu Âu kinh doanh tại Việt Nam.

TS Thành cho biết, mặc dù tham gia hiệp định EVFTA, Việt Nam cũng phải chịu những chi phí trong ngắn hạn, và áp lực cạnh tranh nhất định; nhưng về dài hạn, Việt Nam sẽ có cơ hội tạo ra khả năng cạnh tranh động. Về phương diện này, tham gia hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ có lợi hơn so với các hiệp định thương mại ASEAN +1.

Ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ, Trưởng bộ phận Kinh tế và thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, EVFTA sẽ hoàn thành đàm phán trong 6 tháng đầu năm 2015, thậm chí hi vọng có thể kết thúc sớm trong quý 1/2015. Cũng theo ông Jean Jacques Bouflet, khi hiệp định này được ký kết sẽ thúc đẩy thặng dư thương mại giữa Việt Nam với EU. Điều này có thể giúp Việt Nam bù lại việc bị thâm hụt thương mại từ các nước khác như Trung Quốc, và các nước ASEAN. Đây chính là điều mà Việt Nam có lợi hơn khi ký kết EVFTA so với các hiệp định thương mại tự do khác.

Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ phát huy được lợi thế cạnh tranh so với EU vì Việt Nam có nhiều ngành thế mạnh đang xuất khẩu nhiều sang EU. Những ngành như dệt may, da giày, nông sản Việt Nam có lợi thế về nhân công, nguyên liệu... nên EU khó cạnh tranh được. Ngoài ra, một lợi thế khác là Việt Nam có thể mở rộng các hoạt động thương mại với các nước thành viên EU. Về phía EU, thông qua hiệp định, EU cũng có những cơ hội như thông qua Việt Nam sẽ mở rộng các hoạt động, kinh tế, chính trị đối với các nước ASEAN và khu vực châu Á.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam tham gia EVFTA cũng vẫn còn những thách thức nhất định. TS Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội cho biết, thị trường EU là thị trường khắt khe, và hiệp định này là hiệp định chất lượng cao nên Việt Nam sẽ khó tránh khỏi các vấn đề về pháp lý. Các tiêu chuẩn do EU áp đặt nằm trong số các tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới. EU có thể đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu chặt chẽ hơn trong vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.

Bà Nguyễn Thị Bích, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cũng cho rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều các vấn đề pháp lý khác như thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại, thủ tục mua sắm công, thủ tục trong bảo hộ sở hữu trí tuệ... Đây là một thách thức đối với các nước đang phát triển và cụ thể đối với Việt Nam.



Quốc Huy
Xuất khẩu đối mặt phòng vệ thương mại
Xuất khẩu đối mặt phòng vệ thương mại

Việt Nam đang tăng cường mở cửa thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới nên việc kiện và bị kiện là không tránh khỏi khi các nước có xu hướng tăng cường sử dụng nhiều hàng rào thuế quan để bảo vệ hàng hóa trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN