Khách xếp hàng tràn vỉa hè chờ giao dịch vàng trên phố Trần Nhân Tông.
Xếp hàng dài mua vàng
Phiên ngày 24/4, giá vàng bật tăng trở lại sau phiên “lao dốc” ngày 23/4. Nhiều người vẫn đang đổ xô xếp hàng ở "phố vàng" Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại Bảo Tín Minh Châu, người dân xếp hàng dài để mua vàng, nhưng chỉ được mua tối đa 2 chỉ vàng, có thời điểm, nhân viên Bảo Tín Minh Châu phải thông báo, ngừng nhận khách, chốt số giao dịch.
Còn tại cửa hàng Công ty SJC, khách được mua tối đa 1 lượng vàng; Phú Quý cho phép mỗi người mua 1 chỉ vàng, nhưng có thời điểm, cửa hàng thông báo hết hàng dù mới chỉ phục vụ khoảng 15 khách hàng đầu tiên trong sáng 24/4...
Nhiều cửa hàng vàng tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) thông báo dừng việc phát số do có quá nhiều khách hàng tới.
Chiều 24/4, giá vàng SJC giao dịch tại hệ thống SJC là 118,5 – 121 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng/lượng mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng bán ra so với ngày 23/4. Tại hệ thống PNJ, giá mua vào và bán ra đều tăng 2 triệu đồng/lượng, giao dịch là 118,5 – 121,5 triệu đồng/lượng, còn Phú Quý SJC, giá vàng đều tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều, mua vào và bán ra là 118 – 121 triệu đồng/lượng.
Tại một cửa hàng vàng lớn khác trên phố Trần Nhân Tông, không ít khách hàng ngậm ngùi ra về vì hết hàng bán.
Đề cập về việc dân vẫn chọn vàng, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Tài chính & Kế toán, Đại học Bristol cho rằng, “những người cứ có dư tiền mua vàng chính là để bảo vệ tài sản của họ trước biến động của lạm phát, sự mất giá của tiền tệ và bất ổn kinh tế. Quan trọng hơn, giải pháp này khiến họ ‘nhẹ đầu’ vì không phải suy nghĩ quá nhiều, nếu cần cũng dễ dàng đem đi bán. Chính nhờ đầu tư dễ, thanh khoản nhanh, có thể nắm giữ dài hạn, lại chứng minh được hiệu quả nhiều năm qua, vàng trở thành một phần quan trọng trong danh mục đầu tư và tiết kiệm của nhiều người dân".
Giá vàng hiện ở mức cao và khó dự báo trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những năm gần đây, theo ông Hồ Quốc Tuấn, có 2 vấn đề nổi lên do việc người Việt đầu tư vào vàng. Thứ nhất là mức chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới quá lớn. Mỗi đợt vàng tăng giá mạnh, giá trong nước lại tăng cao hơn nhiều so với giá thế giới. “Khoảng cách này tồn tại từ khi tôi còn đi làm tại một ngân hàng ở Việt Nam đầu những năm 2000 cho đến nay. Có lúc mức chênh lệch là vài triệu đồng/lượng, nhưng cũng có lúc lên tới hơn 10 triệu/lượng. Hiện, chênh lệch ở mức hơn 15 triệu đồng/lượng”, ông Hồ Quốc Tuấn cho biết.
Từ năm 2012, Việt Nam thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, theo đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu vàng. Chính sách này có mục tiêu ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, nhưng cũng dẫn đến nguồn cung vàng chính thức bị hạn chế. Mỗi khi giá vàng thế giới tăng mạnh, nguồn cung vàng trong nước chưa phản ứng kịp, giá vàng trong nước lại lệch pha với thế giới. Nếu nguồn cung được Nhà nước can thiệp để tăng lên tương ứng, chênh lệch này được thu hẹp.
Hàng trăm lượt khách đến các tiệm vàng lớn để chờ giao dịch.
Năm 2013, Nhà nước tổ chức tổng cộng 76 phiên đấu giá và bán ra 1.819.900 lượng vàng (khoảng 70 tấn), trị giá 3 tỷ USD. Hoạt động này đã giúp thu hẹp chênh lệch vàng trong nước và thế giới. Hoặc vào thời điểm giá vàng tăng cao và lệch pha lớn với vàng thế giới (có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng), NHNN đã phải đưa ra các giải pháp bán vàng bình ổn.
Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Tuấn cũng trăn trở bài toán “nhập khẩu vàng nguyên liệu cần ngoại tệ”. Một số doanh nghiệp cam kết tự cân đối được ngoại tệ để nhập vàng, không cần hỗ trợ từ dự trữ ngoại hối, nhưng như vậy vẫn có thể ảnh hưởng cung ngoại tệ trên toàn thị trường. Sức ép gia tăng thêm cho tỷ giá ở một số thời điểm nhập nhiều vàng, song song với gia tăng các loại nhập siêu khác là khó tránh. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu khó lường như hiện nay, mạo hiểm tăng nhập vàng sẽ khiến nền kinh tế dễ tổn thương hơn nếu có cú sốc đối với xuất khẩu, làm tăng nhập siêu và gây bất ổn lên tỷ giá.
Cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn
Liên quan về những biến động mạnh của giá vàng, Chính phủ đang sửa Nghị định 24/2012 về kinh doanh vàng. Trước đây chống vàng hóa, đô la hóa, nên có Nghị định 24 để quản lý, nhưng hiện nay không còn phù hợp với thực tế.
Có những ý kiến cho rằng sửa đổi Nghị định 24 sẽ giải quyết vấn đề, còn chuyên gia Hồ Quốc Tuấn cho rằng, bản chất giá vàng tăng nằm ở chỗ: Nhu cầu tích trữ vàng trong dân vẫn ở mức cao, trong khi nguồn lực quốc gia không thể dồn toàn bộ vào nhập khẩu vàng mỗi khi giá tăng mạnh. Để xóa bỏ hoàn toàn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là điều khó khả thi. Giải pháp hợp lý là kiểm soát mức chênh lệch này trong phạm vi có thể chấp nhận được. Theo đó, khi giá vàng thế giới giảm, độ vênh giữa giá trong nước và quốc tế cũng sẽ theo đó hạ nhiệt.
Vấn đề thứ hai cũng có ý kiến cho rằng, ai cũng đi mua vàng, không lo sản xuất, thì nguồn lực của nền kinh tế sẽ bị chôn trong vàng? Theo ông Hồ Quốc Tuấn, những lập luận này có lý, nhưng cần xét đến 2 vấn đề: tỷ lệ tiết kiệm của người Việt Nam cao để phòng thân và lựa chọn vàng làm kênh đầu tư dài hạn.
Các cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay vừa phải kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế, vừa phải đảm bảo cân đối với nguồn lực hiện có và phải đối mặt với yêu cầu tìm giải pháp "huy động vàng trong dân".
Theo PGS TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng hiện ở mức cao và khó dự báo trong thời gian tới do chịu tác động từ nhiều yếu tố ngắn hạn lẫn dài hạn. Tuy nhiên, đà tăng mạnh hiện nay cũng tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh sâu. Giá vàng trong nước hiện biến động theo thế giới, cộng thêm tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) và tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Nhiều doanh nghiệp vàng cho biết, họ không đủ hàng để bán do nguồn nhập khẩu bị hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng năm vẫn cao. Việc siết chặt nhập lậu vàng càng làm tình trạng thiếu hụt thêm trầm trọng. "Nếu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá lớn, NHNN có thể can thiệp như cơ chế neo giá trước đây. Tuy nhiên, thị trường vàng vẫn có nguy cơ 'sốt nóng' với các giao dịch ở mức giá cao hơn", ông Nguyễn Hữu Huân nhận định.