Giải pháp thay thế năng lượng hóa thạch
Đánh giá về việc chuyển đổi xanh nhằm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, Giáo sư Daniel Kammen, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, chuyên gia năng lượng đầu tiên của Sáng kiến Đối tác Môi trường và Khí hậu cho châu Mỹ (ECPA); Đặc phái viên Khoa học cho ông John Kerry-Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cho biết, chuyển đổi xanh không chỉ là câu chuyện thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo mới. Đó còn là câu chuyện về giải phóng đất đai; từ đó, đóng góp vào việc ổn định cũng như bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam. Giáo sư Kammen cho rằng việc đảm bảo chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi ích cụ thể về công việc; giúp thúc đẩy, khuyến khích giới trẻ tham gia chuyển đổi xanh.
Chia sẻ về chống biến đổi khí hậu sau Hội nghị thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP 28) và hợp tác của Việt Nam với Hoa Kỳ đối với vấn đề này, Giáo sư Kammen cho rằng, hai nước cần hợp tác tích cực hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng; đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và nhiều nguồn năng lượng sạch khác. Tiếp đó là việc thay thế hoàn toàn và loại bỏ các năng lượng hóa thạch. “Tuy nhiên, chúng ta cũng biết, ở hai quốc gia, nhiều doanh nghiệp lớn hoặc những ngành công nghiệp lớn vẫn chưa có khả năng hoặc chưa muốn chuyển sang các lĩnh vực về năng lượng sạch. Do đó, việc hợp tác cũng cần được thúc đẩy hơn nữa giữa hai ngành công nghiệp của cả hai nước”, Giáo sư Kammen đề xuất.
Theo Giáo sư Kammen, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thông qua ngành công nghiệp, nông nghiệp thông minh hoặc điện gió ngoài khơi… Đây đều là những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng phát triển. Lĩnh vực năng lượng sạch cũng mở ra cơ hội tạo nhiều việc làm, đặc biệt là đối với lực lượng dân số trẻ ở Việt Nam hiện rất ủng hộ việc hướng tới một nền kinh tế sạch, chuyển đổi năng lượng sạch. Chia sẻ kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, Giáo sư Kammen cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ đã và đang thúc đẩy giới trẻ tham gia nhiều hơn vào việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, năng lượng sạch trong tương lai. Theo đó, những người trẻ, học sinh, sinh viên đều được khuyến khích tham gia các hoạt động về chuyển đổi năng lượng sạch; được đề xuất định hướng cho lĩnh vực này trong tương lai. Nhờ vậy, những cơ hội về công việc hướng tới giao thông xanh, liên quan đến công bằng về xã hội, chuyển dịch xanh, chuyển dịch về năng lượng sạch… ngày càng được mở ra.
Đưa ra một số khuyến nghị chính sách để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Giáo sư Kammen cho rằng, Việt Nam cần có nhiều nghiên cứu hơn về các nguồn năng lượng tái tạo mới, trong đó, chú ý đến vấn đề xanh; có thêm các giải pháp về năng lượng phân tán như pin điện mặt trời trên mái nhà, công trình…
Việt Nam cần có cam kết ngắn hạn, trung hạn
Trao đổi về những nghiên cứu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, Giáo sư Susan Solomon (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ)- nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển với những đóng góp đột phá giúp mở rộng hiểu biết của nhân loại về hiện tượng suy giảm tầng ozon và vai trò của chất chlorofluorocarbons (CFC) trong quá trình đó, cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp với thế giới trong hành trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo Giáo sư Solomon, trước khi đạt đến mục tiêu này, Việt Nam cần có những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn; đặc biệt, cam kết trung hạn rất là quan trọng. Theo đó, Việt Nam phải cân bằng trong cam kết năng lượng sạch. Điều này liên quan đến vấn đề bình đẳng, công bằng như những nội dung trong Nghị định thư Montréal. Giáo sư Solomon cho rằng, Việt Nam cần thay đổi thói quen đi xe gắn máy, ô tô sử dụng năng lượng hóa thạch sang việc đi xe điện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng rơm rạ để đun nấu; tìm kiếm giải pháp giúp giảm thiểu khí thải ở Việt Nam bằng việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng sạch. “Việt Nam là đất nước có tiềm năng về năng lượng mặt trời. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính để người dân có thể chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đây là một thử thách đối với một nước đang phát triển”, Giáo sư Solomon nhận xét.
Đánh giá về triển vọng chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm dần phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Giáo sư Solomon bày tỏ sự lạc quan bởi hiện nay, giá thành sản xuất năng lượng sạch đang giảm dần, kéo theo việc nguyên vật liệu về pin, năng lượng, điện cũng giảm đi thông qua hiệu ứng dây chuyền; nhờ vậy, hiệu quả kinh tế lớn hơn. Giáo sư Solomon hy vọng người dân Việt Nam sớm có ý thức thay đổi thói quen sử dụng năng lượng, vì quyền lợi, lợi ích của chính mình. Điều này sẽ tác động lên Chính phủ, từ đó có những chính sách theo kịp với những ý thức thay đổi đó.