Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp trong nước đã chủ động nắm bắt xu hướng xanh và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hướng tới mục tiêu xanh và bền vững còn khá nhiều khó khăn trong thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, chuyển đổi sang sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ cao mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực để theo đuổi và đáp ứng. Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi những tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, doanh nghiệp Việt Nam cần được các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ nhiều hơn nữa về cơ chế, chính sách.
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các thông lệ tự nguyện đang trở thành những tiêu chuẩn bắt buộc và việc cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên rất gay gắt. Vì vậy, việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh với mục đích xanh hóa sản phẩm sẽ giúp khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam giúp tạo nên lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Hồ Quốc Lực, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết, nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, công ty đã mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản. Công ty cũng đáp ứng được mọi yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dich từ phía EU nhờ quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tốt, sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát được mọi khâu trong sản xuất, chế biến.
Xu hướng sử dụng thủy sản trên thế giới không những có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng mà còn yêu cầu doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh với thủy sản nuôi trồng có kiểm soát, giảm khai thác để phát triển bền vững. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội của các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam. Cũng như nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản, tập trung mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng triển khai chương trình sản xuất sạch, công ty Sao Ta còn nỗ lực sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên khác như: điện, nước; tận dụng phụ phẩm cá, tôm làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, không gây ảnh hưởng môi trường...
Đại diện Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, Chủ tịch Nguyễn Tiến Chương chia sẻ, xu hướng sản xuất, xuất khẩu xanh là một trong những xu thế bắt buộc trong bối cảnh hội nhập và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia với tư cách là thành viên. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng các điều kiện, yêu cầu mà các thị trường xuất khẩu đề ra, cũng như tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật từ các FTA để xây dựng quy trình sản xuất phù hợp, xanh hóa. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang tạo điều kiện thuận lợi giúp gia tăng xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, để có thể cạnh tranh được tại nhiều thị trường khó tính, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững của toàn cầu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam được tổ chức mới đây đã ghi nhận, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng đạo luật Báo cáo bền vững sẽ tác động tới 50.000 doanh nghiệp châu Âu về trách nhiệm giải trình. Điều này đồng nghĩa với việc EU sẽ gia tăng việc áp dụng 323 các loại chứng chỉ cùng hàng trăm tiêu chuẩn, quy chuẩn khác với hàng nhập khẩu.
Cơ sở này sẽ là 1 thách thức lớn, xong cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể nhanh chóng hoàn thiện mình để đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung nhiều giải pháp giúp thay đổi tư duy cho doanh nghiệp, nâng cao nhận thức chuỗi cung ứng xanh, đặc biệt là có chiến lược hướng tới mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành công xưởng xanh của thế giới.