Những tháng cuối năm, Hải Dương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; cân đối hợp lý giữa các ngành, địa phương, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; bảo đảm hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.
Theo đó, Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, các nhóm hàng chế biến nông sản thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề, các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở địa phương. Xây dựng và triển khai thực hiện "Quy định về quản lý, phát triển chợ trên địa bàn tỉnh".
Theo ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, những tháng cuối năm, tỉnh đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, đầu tư hoàn thiện hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Lãnh đạo tỉnh giao các sở, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra đôn đốc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án. Các sở, ngành, địa phươg thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phấn đấu năm 2022 giải ngân hết 100% kế hoạch giao.
Tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý đầu tư, tập trung hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu và thực hiện đầu tư dự án; lập hồ sơ đề nghị thành lập khu kinh tế chuyên biệt theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ lập, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Cùng với đó, Hải Dương cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; chủ động phương án tạo mặt bằng sạch, nguồn cung lao động và hạ tầng kết nối để thu hút các dự án lớn, nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín cao. Tỉnh còn đổi mới trong xúc tiến thương mại, tư vấn và xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là các dự án có công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm mới trên địa bàn tỉnh.
Để hoàn thành và vượt định mức thu ngân sách, Hải Dương tiếp tục các biện pháp quản lý thu ngân sách; đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, thường xuyên dự báo những tác động ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách. Nhanh chóng triển khai các dự án có liên quan đến đấu giá thu tiền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và tập trung xử lý các dự án còn tồn đọng chưa tính tiền sử dụng đất; rà soát, tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.
Tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp thu hồi nợ thuế; có các giải pháp nuôi dưỡng và tạo nguồn tăng thu cho ngân sách nhà nước; thực hiện tốt công tác bình ổn giá; tăng cường đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hải Dương cũng đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng. Tập trung tín dụng cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất, kinh doanh, dự án, phương án có khả năng phục hồi cao, tạo sự lan tỏa; mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tích cực thu hồi, xử lý nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Trong những tháng cuối năm, Hải Dương tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên khoáng sản và môi trường; hoàn hiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021 - 2025; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính" và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các dự án và khắc phục, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng đất sai phép, sai mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng gây lãng phí đất đai.
Tỉnh cũng đảm bảo an sinh xã hội, làm tốt nhiệm vụ giáo dục, văn hóa, thể thao, an ninh, quốc phòng; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ được giao; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc về thủ tục hành chính làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hồng Diên, 9 tháng năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt hơn 15.600 tỷ đồng, tăng 3,5% so cùng kỳ; tổng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt trên 240.860 tỷ đồng, tăng 14,4% so cùng kỳ; tổng giá trí sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt trên 33.600 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng 3% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng ước đạt trên 36.300 tỷ đồng, tăng 4,7% so cùng kỳ. 9 tháng đầu năm 2002, Hải Dương đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 51,5%. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng 13,2% so cùng kỳ nhưng thu hút đầu tư trong nước hạn chế, chỉ bằng 10,8% so cùng kỳ…