Triển khai kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trong nông nghiệp

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Triển khai kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Chú thích ảnh
Vùng chè tại Lâm Đồng. Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn. Khi thay đổi sẽ là cơ hội cho Việt Nam thay đổi hình ảnh, sự định vị trong bức tranh tăng trưởng xanh. 

"Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 "biến": biến động thị trường, biến đổi khí hậu, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Đây là hướng đi để hóa đổi 3 biến đó", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.

Để chuyển sang nền nông nghiệp xanh, Bộ trưởng cho rằng cần thay đổi nhận thức từ nông dân, các tổ chức, hợp tác xã, cộng đồng dân cư… cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống các ngành hàng. Các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, hiệp hội ngành hàng cùng chung tay để hình thành hệ sinh thái xanh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Trong số đó, có các chỉ tiêu về môi trường, tăng trưởng xanh. 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Dalat Hasfarm cho rằng, đã từ lâu nông nghiệp Việt Nam đã từng bước hướng đến nền nông nghiệp xanh với các tên gọi khác nhau như: phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thân thiện với môi trường…

Năm 2015, doanh nghiệp đã phát triển dòng sản phẩm Bio Pro. Đó là phát triển từ các loại côn trùng và nấm có ích sử dụng trong sản xuất, hướng đến phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bảo, doanh nghiệp không thể phát triển xanh với cơ chế chính sách cũ. Bên cạnh cơ chế chính sách mới phục vụ cho phát triển xanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại những cơ chế chính sách không còn phù hợp với phát triển xanh.

Điển hình, trong định hướng của Bộ sẽ phát triển được 30% sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật là sinh học. Như vậy, việc cấp phép cho sản phẩm này cần phải thay đổi, có cơ chế thông thoáng, khuyến khích… 

Nhưng, hiện nay quy trình đánh giá thuốc sinh học lại đang giống với sản phẩm vô cơ: thử nghiệm trên đồng ruộng, các bước đánh giá… vô cùng mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Bảo cho rằng để xây dựng lối sống xanh, các doanh nghiệp quan tâm đến dán nhãn sản phẩm xanh. Đây vừa là định hướng tiêu dùng nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc với nhà sản xuất để phát triển trong xu thế mới. Cùng với đó, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp trong mối liên kết phát triển thị trường sản phẩm xanh.

Cũng liên quan đến cơ chế, chính sách, ông  Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, chăn nuôi cũng phát thải ra lượng CO2 lớn. Nhưng khi giá thành sản phẩm chăn nuôi còn cao, vấn đề đầu ra sản phẩm như thế nào để đảm bảo hiệu quả sản xuất của người chăn nuôi. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ về chính sách, thị trường và kỹ thuật.

Chia sẻ về Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, ông Nguyễn Tất Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050. 

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước.

Đồng thời, mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Bích Hồng (TTXVN)
'Xanh hóa' doanh nghiệp từ áp lực của người tiêu dùng xanh
'Xanh hóa' doanh nghiệp từ áp lực của người tiêu dùng xanh

Tại Hội thảo "Nhận thức của người lao động về tiêu dùng xanh" được tổ chức vào ngày 28/9, Tiến sỹ Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ, cho biết: Ở Việt Nam tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050. Vì vậy, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN