Chuyển đổi công tơ điện để tránh sai sót, gian lận

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện cả nước có gần 27 triệu hộ dùng điện, nhưng mới có 50% dùng công tơ điện tử - loại cho phép ghi số điện tự động. Do đó, việc đo đếm chỉ số tiêu thụ điện năng có nguy cơ xảy ra sai sót đối với những hộ dân chưa được gắn công tơ điện tử.

Chiều 15/7, Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm 'Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện' nhằm giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về việc hóa đơn tiền tiện tăng bất thường, cũng như quy trình ghi chỉ số của ngành điện.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng điện lực vẫn ở mức cao, đạt đỉnh công suất 38.600MW, tăng trưởng 790 triệu kw/h, điều này gây áp lực cao lên hệ thống điện. Theo đó, tổng sản lượng điện tăng trưởng 4,89%, lượng điện kinh doanh dịch vụ suy giảm sâu, nhưng điện sinh hoạt tăng cao, tới 12,3%, riêng phía Nam tăng 2,7 lần. 

“Sau khi có đơn khiếu nại, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên. Kết quả cho thấy, có hơn 900.000 đơn khiếu nại từ khách hàng, trong đó trên 60% nội dung liên quan đến hoá đơn điện, trên 600 hoá đơn tính sai cho khách hàng”, ông Lâm cho biết.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: TP

Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc tính sai hóa đơn tiền điện cho khách hàng một phần là do việc ghi số điện thủ công hiện nay còn nhiều sai sót, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Hiện nay có hai phương pháp ghi chỉ số điện là ghi trực tiếp tại hiện trường và ghi từ xa bằng công tơ điện tử. Đối với công tơ điện tử ghi từ xa thì gần như chưa có trường hợp nào sai. Các loại công tơ trước khi đưa vào sử dụng cũng đã được kiểm định, đáp ứng đủ điều kiện nên tỉ lệ sai sót gần như là thuộc về quá trình đọc và ghi chỉ số vào.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay EVN có quy trình kinh doanh thống nhất trên toàn quốc. Quy trình ghi chỉ số khá đơn giản, mỗi trạm biến áp hay khu vực có lịch ghi chỉ số điện riêng. EVN quản lý toàn bộ 2,8 triệu công tơ trên một phần mềm và lúc ghi công tơ có 2 người, 1 người đọc và 1 người ghi.

Riêng ở Hà Nội, EVN còn sử dụng máy chụp ảnh ghi lại chỉ số công tơ. Sau đó, dữ liệu đưa vào máy tỉnh bảng và đổ vào phần mềm rồi chạy tính toán tự động. Bản thân phần mềm ghi chỉ số công tơ tự động đều có cảnh báo khi khách hàng dùng tiện tăng quá 30%.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Điện lực TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại công ty điện lực có số lượng công tơ cho dữ liệu tự động đạt 30%. Còn lại vẫn là ghi thủ công. Chính vì thế có những sai sót do người ghi điện ghi sai.

“Tuy nhiên chúng tôi có hệ thống cảnh báo tự động, nếu chỉ số điện của khách hàng vượt qua 30% so với tháng trước, nhân viên ghi điện sẽ xem xét lại trực tiếp số điện trên đồng hồ. Sau đó nhân viên ghi điện sẽ phải phúc tra, xem xét trên hệ thống về quá trình sử đụng điện của khách hàng. Nhân viên kiểm soát sẽ phúc tra lại lần nữa”, ông Kiên cho biết.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hiện nay, chỉ mới có 50% khách hàng được trang bị công tơ điện tử. EVN đã vạch ra lộ trình để hiện đại hóa ngành nhưng không gây áp lực tăng giá điện. Mỗi công ty thành viên EVN hạch toán độc lập nên lộ trình thay thế công tơ điện tử là khác nhau. Từ nay đến cuối năm, EVN Hà Nội, EVN TP Hồ Chí Minh và EVN miền Trung sẽ thay thế toàn bộ công tơ điện tử cho khách hàng. Tuy nhiên, lãnh đạo EVN quán triệt, quá trình thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử không được làm tăng giá điện.

“Công tơ điện tử thay thế cho công tơ cơ là hướng đi mới, sẽ làm dần dần. Việc thay công tơ điện tử ngoài việc giúp cho ghi chỉ số điện chính xác hơn còn nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành ngành điện. Do đó, EVN mong muốn thay toàn bộ công tơ điện tử cho tất cả khách hàng”, ông Lâm cho biết.

Trao đổi về cách quản lý công tơ điện, ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho rằng, hiện nay việc kiểm soát đo lường đối với công tơ điện ở Việt Nam khá chặt chẽ. Công tơ điện bắt đầu nhập khẩu vào Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam đều được phê duyệt mẫu, kiểm duyệt ban đầu trước khi đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng, công tơ được kiểm định định kỳ; khi xảy ra lỗi kỹ thuật phải sữa chữa thì sẽ kiểm định sau sửa chữa. Các cơ quan tổ chức kiểm định, kiểm duyệt được bố trí khắp cả nước để phục vụ nhu cầu của các đơn vị. 

“Qua báo cáo của các Tổng công ty điện lực, có 1.025 công tơ kiểm định lại theo yêu cầu khách hàng thì chỉ có 6 công tơ có sai số vượt quá mức cho phép của nhà nước và được xử lý theo đúng quy định của ngành điện lực”, ông Điệp nói.

Thu Trang/Báo Tin tức
Bộ Công Thương 'tính' phương án 1 giá điện, người dân nên chọn cách nào?
Bộ Công Thương 'tính' phương án 1 giá điện, người dân nên chọn cách nào?

Bộ Công Thương mới đây cho biết, đang nghiên cứu phương án “1 giá điện” song song với phương thức biểu giá điện bậc thang để người dân lựa chọn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN