Tuy nhiên, khu công nghiệp này từ lâu đã bộc lộ nhiều hạn chế, bên trong khu công nghiệp, ngoài các nhà máy còn xen lẫn các khu dân cư sinh sống. Vì vậy, việc di dời và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 theo đề án mới vừa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt vào tháng 2/2024 sẽ đẩy mạnh phát triển xanh tại địa phương.
Cần thiết di dời
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm dọc bờ sông Đồng Nai với phía bên kia là cù lao Hiệp Hòa và bám dọc theo Quốc lộ 1 sát Khu trung tâm thương mại ngã tư Vũng Tàu. Đây là khu vực có vị trí đầu mối quan trọng kết nối các khu chức năng của thành phố Biên Hòa trong tương lai. Đồng thời, nằm cửa ngõ phía Đông kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh qua tuyến Metro số 1 của Thành phố Hồ Chí Minh (từ Suối Tiên). Đồng thời, là vị trí hết sức chiến lược của tỉnh Đồng Nai nói chung và của thành phố Biên Hòa nói riêng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 27/05/2015 và dự thảo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ để kết hợp chỉnh trang quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả sử dụng đất.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh: để có thể phát triển thành phố Biên Hòa theo đúng quy hoạch, việc chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ là cần thiết và tất yếu khách quan.
Ngoài ra, thành phố Biên Hòa được xây dựng cải tạo trên cơ sở thành phố đã có và phát triển từ trước năm 1945. Kiến trúc cảnh quan các trục đường phố nội ô trong thời gian qua được phát triển theo hình thức tự phát và kết quả là hiện thành phố Biên Hòa có một diện mạo hạ tầng không đồng bộ nên cần được cải tạo lại.
Để phát triển thành phố Biên Hòa theo hướng hiện đại, cùng với việc phát triển khu trung tâm mới tại phường Thống Nhất và phường Hiệp Hòa, trong quy hoạch của thành phố đã tổ chức trục giao thông chính gắn kết các khu trung tâm với cửa ngõ thành phố. Hai bên trục đường chính là các khu nhà cao tầng, khu cây xanh kết hợp dịch vụ nhằm tạo dựng cảnh quan đô thị hiện đại có tổ chức bố cục hoàn chỉnh.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, nếu giữ nguyên vị trí Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay, việc quy hoạch nói trên sẽ không thể thực hiện được đối với trục giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Đông của thành phố Biên Hòa. Nguyên nhân vì các nhà máy trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang nằm dọc theo tuyến đường số 11 - trục giao thông chính nối kết ngã tư Vũng Tàu với cù lao Hiệp Hòa.
Như vậy, chỉ có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Khu công nghiệp Biên Hòa 1 mới có thể thực hiện được định hướng quy hoạch nêu trên. Bên cạnh đó, dọc theo tuyến đường số 11 Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - trục giao thông chính dẫn vào trung tâm thành phố sẽ có thể bố trí các công trình nhà cao tầng, khu cây xanh, dịch vụ thay thế cho các nhà máy hiện nay.
Tạo không gian đô thị xanh
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết: với định hướng phát triển của mình, tỉnh Đồng Nai từng bước tiến hành mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững, đồng thời nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với phát triển xanh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, không đánh đổi môi trường với lợi ích kinh tế trong quá trình phát triển.
Theo “Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường”, lộ trình di dời các doanh nghiệp sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025. Từ đó, việc di dời các doanh nghiệp tại đây sẽ được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước tháng 12/2024, bao gồm: Các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích khu 1 (hơn 75 ha), phía Nam Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội và khu Trung tâm Hành chính - chính trị tỉnh; giai đoạn 2, bao gồm các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích còn lại sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025.
Đề án có hai dự án, bao gồm: Dự án Khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh, quy mô diện tích khoảng 44 ha và dự án Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có diện tích hơn 286 ha. Đối với dự án Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có hai công trình hiện hữu được đề xuất giữ lại gồm: Tòa nhà Sonadezi (1,2 ha) và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (2,2 ha).
Còn lại, Khu trung tâm chính trị - hành chính mới với sẵn hệ thống hạ tầng kỹ thuật thuận lợi như cầu An Hảo kết nối với trung tâm hành chính hiện hữu của tỉnh, tạo thuận lợi cho việc di dời, đi lại làm việc của các cơ quan hành chính và người dân. Đồng thời, tạo nên một trung tâm hành chính - chính trị mới, hiện đại, tập trung, chuyên nghiệp, đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yếu cầu cuộc Cách mạng lần thứ tư, chuyển đổi số…
Khu trung tâm chính trị - hành chính mới cũng khắc phục tình trạng phân tán, xây dựng, sửa chữa, cải tạo một cách chấp vá và kém hiệu quả của các cơ quan công sở hiện tại; giảm áp lực về quỹ đất xây dựng cơ quan hành chính trong đô thị cũ; khai thác hiệu quả quỹ đất đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, sau khi hoàn thành đề án, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay sẽ trở thành một khu đô thị - thương mại - dịch vụ mới hiện đại, văn minh nằm trải dài theo bờ sông Đồng Nai. Điều này giúp gắn kết hài hòa với kiến trúc tổng thể của khu trung tâm thành phố Biên Hòa và cù lao Hiệp Hòa, đáp ứng về sự hòa hợp giữa các công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên tạo nên một không gian đô thị xanh, hiện đại.
Đặc biệt, việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai, góp phần cải thiện nguồn nước cấp cho khoảng 20 triệu dân sống trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung và gần 10 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Bài cuối: Hài hòa mục tiêu chuyển đổi