Chuyển đổi cây trồng ở ĐBSCL - Bài 2: Lấy thị trường làm 'kim chỉ nam'

Đã từ lâu, những quốc gia phát triển luôn lấy thị trường làm kim chỉ nam cho chiến lược sản xuất và ngành nông nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dù đã được quy hoạch cụ thể theo lợi thế của từng địa phương, nhưng phần lớn người sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa “nhạy” với thông tin thị trường.

Chưa "nhạy" với thị trường

Tiêu chí phải xác định thị trường luôn được các doanh nghiệp lớn đặt lên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh, rồi từ đó các doanh nghiệp mới tiến hành sản xuất. Thế nhưng, kinh tế Việt Nam vẫn đang còn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong số đó, vẫn còn những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức phong trào. Đây cũng là mấu chốt của việc các doanh nghiệp này dù liên kết tiêu thụ với nông dân nhưng vẫn xảy ra tình huống "bẻ kèo", "lật kèo" khi không thể tiêu thụ hàng hóa.

Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, sở dĩ vẫn còn xảy ra tình trạng nông dân hoặc doanh nghiệp hủy hợp đồng khi giá thị trường nông sản có biến động, vì chưa có một chế tài cụ thể xử phạt sự vi phạm này. Trên thực tế, doanh nghiệp cũng chính là thị trường của người sản xuất. Người sản xuất bán hàng cho doanh nghiệp và thông qua doanh nghiệp phân phối đến người tiêu dùng. Do đó, một mối liên kết chặt chẽ là từng mắc xích trong mối liên kết phải có trách nhiệm với hợp đồng mình đã ký kết.

Người trồng sầu riêng tại Châu Thành, Đồng Tháp thu lợi nhuận cao gấp 2 lần so với trồng nhãn tiêu da bò. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Khi trách nhiệm và uy tín đặt lên hàng đầu, doanh nghiệp sẽ tìm hiểu nhu cầu thị trường kỹ hơn và lập kế hoạch phân phối cụ thể hơn. Với doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh chặt chẽ thì người sản xuất cũng phải tuân thủ kế hoạch sản xuất và bán hàng chặt chẽ. Đặc biệt, khi soạn thảo hợp đồng liên kết, cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp phải có sự đồng thuận các điều khoản nhằm đảm bảo hợp đồng có lợi cho cả hai bên.

Khi thiếu sự chặt chẽ trong liên kết sản xuất, tiêu thụ, người sản xuất đã tự đặt mình vào vị trí thiếu thông tin trong sản xuất. Đây là vấn đề còn thường xuyên xảy ra với người sản xuất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nông dân tìm hiểu thông tin chưa sát sao, đã chạy theo phong trào chuyển đổi sản xuất cây trồng khác, làm cho sản phẩm dù đạt giá trị cao trên thị trường, vẫn phải giảm giá vì liên kết với doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường.

Chị Đặng Thị Thùy Hương ở ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là một điển hình trong lựa chọn chuyển đổi cây trồng nhưng thiếu thông tin, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ.

Chị Hương cho biết, khi nhận thông tin tuyên truyền chuyển đổi cây trồng từ chính quyền địa phương, gia đình chị học tập theo các nông dân khác, chuyển sang trồng dưa hấu và ngô (bắp), nhưng thiếu kỹ thuật chăm sóc, làm cho năng suất thấp. Hơn nữa, sản phẩm được thương lái thu mua nhưng không có hợp đồng tiêu thụ. Khi dưa hấu rớt giá, thương lái sẵn sàng hủy hợp đồng, còn chị thì không tiêu thụ được hàng hóa.

Thiếu thông tin tiêu dùng

Đối với các nhà bán hàng chuyên nghiệp, văn hóa tiêu dùng là yếu tố quan trọng giúp định hướng sản xuất và phát triển kinh tế. Đây là một phần còn thiếu sót trong quy hoạch chiến lược sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An nhấn mạnh, tập quán tiêu dùng của từng quốc gia phụ thuộc vào vụ mùa sản xuất của quốc gia đó. Khi Việt Nam có cùng sản phẩm với một vài quốc gia nhập khẩu khác, thì việc lựa chọn vụ mùa để gia tăng sản xuất hoặc thu hẹp diện tích, quy mô, sản lượng rất quan trọng.

Đơn cử, với doanh nghiệp xuất khẩu chuối già Fola sang thị trường Trung Quốc, phải xác định điều kiện thời tiết và vụ mùa chuối già của Trung Quốc có thuận lợi hay không, từ đó mới đặt hàng ngược lại nông dân sản xuất. Trong trường hợp trùng vụ mùa, sản phẩm của Việt Nam sẽ gặp chướng ngại về thuế nhập khẩu, chắc chắn sẽ khó xuất khẩu được.

Thương lái thu mua bưởi da xanh. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Trong vấn đề này, các Tham tán thương mại ở các quốc gia nhập khẩu có vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin, cung cấp cho quy hoạch sản xuất nội địa. Nếu làm được như vậy, sản phẩm của Việt Nam mới có cơ hội được lựa chọn và thu mua.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T, mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm và tìm hiểu thông tin thị trường, nhưng vẫn thiếu người “cầm trịch”  chung cho việc tìm hiểu thông tin. Mỗi doanh nghiệp tự “bơi” một kiểu, làm theo những thông tin mà chỉ doanh nghiệp đó có, chưa có sự tổng hợp chung về yêu cầu thị trường chung để quay lại đặt hàng với người sản xuất một cách có hệ thống.

"Cũng từ những thông tin thị trường có được, các địa phương mới có thể lập quy hoạch cụ thể về loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cũng như quy hoạch diện tích cụ thể từng vùng. Thế nhưng, vì thiếu thông tin tổng thể về thị trường, từng địa phương chỉ quy hoạch rời rạc, chưa có quy hoạch tập trung cho các cây trồng cạn chủ lực, cùng hệ thống thủy lợi phù hợp, chưa hoàn thiện quy hoạch liên hoàn, dẫn đến làm mô hình thì thành công nhưng khó nhân ra diện rộng và đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn của nhà nhập khẩu.", ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng cây lương thực và cây ngắn ngày, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.

Trước những vướng mắc vừa khách quan, vừa chủ quan đã làm trở ngại một phần kế hoạch chuyển đổi cây trồng hiện nay, thì việc quy hoạch đồng bộ từ khâu sản xuất giống chất lượng, đào tạo kỹ thuật sản xuất, xây dựng mối liên kết để tạo vùng nguyên liệu là rất cần thiết. Việc nắm chắc thông tin thị trường một cách liên hoàn hiện đang được đặt ra để hoàn thành kế hoạch chuyển đổi cây trồng, thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp đi vào chiều sâu, mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Bài cuối: Đồng bộ, liên hoàn trong sản xuất

Hồng Nhung (TTXVN)
Chuyển đổi cây trồng ở ĐBSCL - Bài 1: Xu thế nâng cao hiệu quả kinh tế
Chuyển đổi cây trồng ở ĐBSCL - Bài 1: Xu thế nâng cao hiệu quả kinh tế

Năm 2017, kết quả xuất khẩu thủy sản vượt 8 tỷ USD và xuất khẩu trái cây đạt 3,4 tỷ USD, vượt cả giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo, cũng như dầu khí. Qua đây có thể thấy, sự chuyển dịch cây trồng trên cả nước nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã đạt được kết quả nhất định trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN