Nhiều hộ dân ở xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Công Mạo/TTXVN |
Nhìn lại một năm sản xuất và xuất khẩu của ngành nông nghiệp, có thể thấy được, sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng trên cùng một diện tích để đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đã mang lại kết quả khả quan. Nhiều chuyên gia kinh tế, cũng như các nhà khoa học nhìn nhận, thay đổi sản xuất là xu thế tất yếu để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Tăng lợi nhuận trên cùng diện tích Bài toán tăng lợi nhuận luôn là vấn đề được đặt ra cho sản xuất, cũng như là chiến lược phát triển lâu dài của ngành nghiệp trong nước. Khi diện tích đất dành cho sản xuất ngày càng thu hẹp, sự thoái hóa dinh dưỡng đất ngày càng tăng cao khi thực hiện tăng vụ, tăng năng suất mà đất chưa thể phục hồi kịp.
Việc sản xuất một loại cây trong suốt thời gian dài tất yếu dẫn đến việc ngộ độc đất, làm cho chất lượng sản phẩm không cao. Muốn đạt năng suất tất yếu phải nhờ vào sự can thiệp của các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây.
Ông Mai Thành Phụng, nguyên Thường trực Trung tâm khuyến nông quốc gia Văn phòng phía Nam chia sẻ, dinh dưỡng trong đất sau thời gian khai thác phải phục hồi mới tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, với thực trạng sản xuất liên tục, không cho đất nghỉ ngơi sẽ khó phục hồi dinh dưỡng. Vì vậy, biện pháp luân phiên sản xuất, thay đổi cây trồng, xen vụ là yếu tố giúp đất phục hồi một cách tự nhiên nhất. Đồng thời, cũng giúp cho năng suất cây trồng giữ vững và tăng cao khi dinh dưỡng của đất có đủ cho cây.
Trong suốt thời gian thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất, tổ chức chuyển đổi cây trồng cho người sản xuất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính quyền địa phương các tỉnh khu vực này cũng liên kết với các cơ quan, đơn vị, viện trường tập huấn đào tạo cho người dân để thực hiện tốt việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Kết quả cho thấy, đã có nhiều diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển sang trồng cây ăn trái như cây có múi, thanh long, xoài, khóm (dứa)…
Qua kết quả thực hiện trong năm 2017, nhiều địa phương như: Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… đã thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang trồng khóm (dứa) trên diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả.
Còn các huyện Phú Tân, Châu Phú, tỉnh An Giang, nhiều hộ gia đình thì chuyển sang sản xuất các loại cây có múi như quýt, cam sành, bưởi da xanh… Sau khi thu hoạch, người sản xuất khóm thu lợi nhuận 90 triệu đồng/ha/năm, gấp 4 lần so với sản xuất lúa, chi phí đầu tư, lao động cho sản xuất khóm lại thấp hơn so với trồng lúa. Đối với các loại cây có múi, có thể nói lợi nhuận thu được còn cao hơn nhiều cây khác.
Anh Võ Hữu Được tại ấp Khánh Châu, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, muốn chuyển từ trồng lúa sang trồng bưởi da xanh không đơn giản. Chính người sản xuất phải học tập kỹ thuật thật tốt, đồng thời tìm hiểu thông tin thị trường, thông qua sự kết nối của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp thu mua, thì sản xuất mới đạt hiệu quả.
Đối với kỹ thuật chăm sóc, phải đảm bảo nhiều quy định kỹ thuật dành cho cây bưởi, như khoảng cách cây, phát triển tán, giữ ẩm gốc bưởi, biết loại bỏ trái sâu, bệnh để tránh lây lan… Dù khó khăn là vậy, nhưng thành quả đạt được mang lại niềm vui lớn hơn nhiều lần so với trồng lúa. Ước tính, với 5 ha bưởi da xanh, cho sản lượng 1,5 tấn quả/tháng, giá bưởi dao động từ 45.000 - 60.000 đồng/kg, anh Được thu được 70 triệu đồng - 90 triệu đồng/tháng.
Giảm áp lực cho cây lúa Nhiều hộ dân ngụ tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) làm giàu nhờ chuyển đổi từ cây lúa bấp bênh sang trồng chuyên canh thanh long. Ảnh: Minh Trí/TTXVN |
Giữa tháng 11/2017, Chính phủ tiếp tục phê duyệt Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg cho giai đoạn 2017 - 2020. Đây là kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp nối với giai đoạn đã thực hiện từ năm 2013 - 2017.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là tăng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp lên 3%/năm, năng suất lao động bình quân 3,5%/năm, lao động trong nông nghiệp sẽ giảm còn dưới 40%, lao động nông nghiệp được đào tạo là 22%.
Trong đó, riêng ngành trồng trọt được chú trọng vào việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống có năng suất và chất lượng cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiến hành thâm canh bền vững, giảm phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển đất lúa năng suất và hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác để cung ứng cho thị trường tiêu dùng, cũng như cung ứng nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, giảm bớt gánh nặng nhập khẩu nguyên liệu và giảm gánh nặng cho việc sản xuất lúa vì vấn đề an ninh lương thực.
Cũng trong năm 2017, thực tế đã chứng minh rằng nhu cầu sử dụng lúa gạo làm lương thực vốn không còn được chú trọng như những năm trước đây. Thay vào đó, ngành rau củ quả tiến lên vượt bậc, đạt kim ngạch xuất khẩu 3,4 tỷ USD, trong khi đó, ngành lúa gạo chỉ đạt gần 2,5 tỷ USD, một sự chênh lệch không nhỏ trong giá trị xuất khẩu.
Nhiều nhà khoa học đã đưa ra ý kiến, nguồn lương thực trên thế giới vốn rất phong phú, bên cạnh cây lúa còn có khoai tây, lúa mì, lúa mạch, yến mạch, các loại khoai… Người tiêu dùng tiêu thụ lúa gạo chủ yếu là người châu Á và Việt kiều tại các quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, tiêu chuẩn tiêu thụ gạo của người tiêu dùng ngày càng cao, người tiêu dùng luôn đòi hỏi gạo chất lượng cao, nhiều dinh dưỡng, nhưng giá cả lại cạnh tranh so với các gạo của các quốc gia khác như thái Lan, Ấn Độ, Myanmar… Điều này làm cho giá trị hạt gạo của Việt Nam phải co lại vì giảm giá để tiêu thụ hàng hóa khi lượng hàng nhiều. Do đó, việc chuyển đổi cây trồng cũng là một cách giảm tải cho cây lúa trước xu thế cạnh tranh với nhiều loại thực phẩm khác.
Trong những lần khảo sát thực tế sản xuất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, nhiều vùng trồng lúa tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũng đã chuyển đổi sang trồng thanh long, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Theo ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, khi nông dân sản xuất được những trái thanh long đạt tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, thì doanh nghiệp có thể thu mua với giá cao, từ 3 đến 4 lần so với thu mua 1 kg lúa. Hơn nữa, nếu sản xuất lúa suốt 3 vụ/năm sẽ dẫn đến tình trạng đất thoái hóa, bạc màu, người sản xuất lại mất thêm chi phí phân bón, nhưng lợi nhuận cũng không cao. Với loại trái cây như thanh long, chỉ cần chính vụ đã cho thu nhập cao hơn lúa. Khi người sản xuất xử lý trái vụ, thì lợi nhuận càng cao hơn nữa, vì đây là sản phẩm thị trường cần.
Quy hoạch lại sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi thời gian qua đã có nhiều kết quả tốt, nhưng không phải nơi nào chuyển đổi cũng mang lại hiệu quả sản xuất, bởi còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Chính vì thế, ngành nông nghiệp các tỉnh cần phải xác định đúng vùng đất, cây trồng, vật nuôi để đạt được hiệu quả cao trong tái cơ cấu nông nghiệp.