Chuyển 40 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm kiểm toán sang cơ quan điều tra

Chiều 2/7 tại Họp báo công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2022, Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm cho cơ quan điều tra các cấp.

Chú thích ảnh
Quang cảnh họp báo chiều 2/7. Ảnh: Ly Mai

“Ngoài ra có 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát”, bà Hà Thị Mỹ Dung cho biết.

Trong tổng số 40 vụ việc, theo KTNN đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc (14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ có ý kiến để điều tra, giám định) và một số cuộc khác cần có thời gian để tiếp tục điều tra, xác minh trong thời gian tới.

Theo Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung, trong quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, KTNN luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tất cả các vụ việc không phải là việc đơn giản, nhiều vấn đề cần có thời gian để điều tra, xác minh. Vì vậy, thời gian tới, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa và có các văn bản, quy chế phối hợp với các cơ quan.

Hiện, KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đây là một tài liệu quan trọng của KTNN để đảm bảo khi kiểm toán viên phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật, KTNN sẽ có quy trình kiểm toán riêng.

Chú thích ảnh
Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung trả lời báo giới tại buổi họp báo chiều 2/7.

Trả lời câu hỏi báo giới chiều 2/7 về quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra, KTNN có gặp khó khăn vướng mắc hay không?  Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh: Trước tiên, phải khẳng định rằng, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN tập trung chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện ra sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước (NSNN); cũng như kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản công. 

Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện những vấn đề, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, KTNN sẽ kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xem xét xử lý theo quy định.

Hiện, Quyết định số 07/2003/QĐ-KTNN quy định quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Theo đó, quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong kiểm toán; việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Quy trình này được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật KTNN, Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN và thực tiễn hoạt động kiểm toán.

"Quy trình gồm 3 bước: Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng", Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung cho biết.

Minh Phương/Báo Tin tức
Kiểm toán Nhà nước giữ niềm tin với người lao động
Kiểm toán Nhà nước giữ niềm tin với người lao động

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực công, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước mà còn luôn đồng hành, gắn bó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua hoạt động kiểm toán Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN