Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, từ tác động này sẽ kéo theo sự ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của Việt Nam.
Tác động mạnh tới thị trường chứng khoán, vàng
TS Bùi Quang Tín cho biết, sáng 24/6, thông tin về Anh rời khỏi khối EU đã ảnh hưởng đến TTCK thế giới, giảm từ 2 - 5% ngay khi thị trường này mở cửa, điều này đã kéo theo TTCK Việt Nam cũng bị giảm mạnh.
Vào đầu giờ sáng, giao dịch của thị trường vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ, khi thị trường vàng biến động mạnh với giá vàng tăng vọt, thị trường chứng khoán đã bị ảnh hưởng theo với hiện tượng cổ phiếu trên sàn ồ ạt giảm giá, chỉ số VN-Index giảm sâu. Vào đầu giờ giao dịch chiều, mức giảm càng diễn ra mạnh hơn, hầu hết cổ phiếu bị giảm giá sàn và chỉ số VN-Index đã giảm tới hơn 34 điểm, giá trị thị trường bị giảm 70.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, gần đóng cửa phiên giao dịch, các nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại và tham gia mạnh vào thị trường giúp VN-Index chỉ còn giảm 11,5 điểm, đứng ở mức 620,77 điểm khi chốt phiên.
Khách hàng mua vàng tại công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội). |
Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng Phòng quan hệ khách hàng VIP, Quỹ đầu tư Trí Việt, phản ứng của nhà đầu tư trước thông tin nước Anh rời EU có phần thái quá. Nền tảng của thị trường chứng khoán là hoạt động của nền kinh tế và kinh tế vĩ mô. Theo đó, các hoạt động của nền kinh tế đang phục hồi, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội hưởng lợi từ nhiều hiệp định đối tác kinh tế như FTA, TPP… “Việc hàng loạt cổ phiếu giảm giá sàn lúc mở phiên giao dịch chiều và cuối phiên đã có sự phục hồi về giá phản ánh tâm lý hoảng loạn nhất thời của nhà đầu tư đã qua, nhiều cổ phiếu tốt đã được nhà đầu tư mua trở lại. Điều này chứng tỏ, niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam mạnh hơn rủi ro từ thông tin nước Anh rời EU”, ông Tuyền nhận định.
Với thị trường vàng, theo một số cửa hàng vàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC buổi trưa có lúc tăng tới 1,9 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng, niêm yết ở mức 35,5 - 35,9 triệu đồng/lượng, nhưng người bán vàng không nhiều. Hiện giá vàng đã giảm nhiệt và đang ở ngưỡng 35 triệu đồng/lượng, nhưng người mua bán vàng cũng bình tĩnh. Nhiều ý kiến cho rằng, tâm lí đầu cơ vàng dường như đã bị triệt tiêu. Ngoài ra, cơn sốt vàng này bùng phát theo tâm lý thị trường, và sắp tới sẽ hạ dần.
Trao đổi với Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), đại diện đơn vị này cho biết ban đầu giá vàng lên, nhiều người dân cũng đem đi bán nhưng số lượng không nhiều. Thống kê của PNJ trong buổi sáng, tổng lượng vàng PNJ mua vào 180 lượng và bán ra 50 lượng. Với số dư mua 130 lượng, PNJ nhận thấy cũng chưa có thay đổi đột biến so với ngày thường. Vào cuối giờ chiều, vàng SJC đã giảm xuống 35,1 triệu đồng/lượng bán ra và mua vào với mức 34,6 triệu đồng/lượng. Tại thị trường Hà Nội, giá vàng bán ra 35,21 triệu đồng/lượng và mua vào là 34,6 triệu đồng/lượng.
Vì sao các thị trường vàng, chứng khoán và tỉ giá của Việt Nam bị ảnh hưởng tức thời? TS Tín cho rằng, do Anh là một trong bốn quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu. Do đó, khi Anh rút khỏi châu Âu điều này cũng đồng nghĩa, kinh tế các nước khác trong khối châu Âu cũng như châu Á, châu Mỹ… cũng sẽ bị ảnh hưởng theo như hiệu ứng domino. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị tác động tiêu cực mạnh không chỉ ở thị trường xuất khẩu EU mà kể cả các nước khác. Có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chiếm 21% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; tương tự, thị trường châu Á là 49%, châu Mỹ là 26%, còn lại 2% -3% là qua các thị trường khác. Như vậy, giá chứng khoán của các DNXK này cũng sẽ bị giảm mạnh, kéo theo TTCK Việt Nam bị giảm điểm.
TS Tín cũng nhận định, từ việc Anh rút khỏi EU cũng sẽ tạo động lực cho Pháp và Ý đi theo con đường của Anh. Bởi Pháp và Ý cũng đang muốn rút khỏi khối EU, nhưng vẫn chưa quyết định vì chờ động thái của Anh. Nếu Pháp và Ý đi theo bước đường của Anh sẽ dẫn đến tình hình nền kinh tế châu Âu đang xấu sẽ càng xấu hơn. Và tất nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã giảm sẽ càng giảm nữa.
Thị trường tài chính, tiền tệ sẽ biến động
Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín cũng đưa ra quan ngại về tình hình kinh tế trong nước khi Anh rời khỏi EU. Thứ nhất, về lạm phát. Chính vì khủng hoảng của nền kinh tế EU sẽ làm cho nhu cầu về hàng hóa dịch vụ thế giới giảm, kéo theo dịch vụ hàng hóa trong nước sẽ giảm theo. Do nhu cầu hàng hóa dịch vụ yếu, xuất khẩu trong nước gặp khó khăn nên chỉ số CPI giảm. Theo đó, GDP khó đạt mục tiêu đề ra như từ đầu năm là 6,7%, và tất nhiên lạm phát trong nước sẽ giảm theo.
Thứ hai, về tỷ giá. Trong cấu thành tỷ giá trung tâm của Việt Nam có 3 yếu tố, trong đó có 2 yếu tố bị tác động bởi Anh ra khỏi EU (được gọi là hiệu ứng Brexit). Yếu tố đầu tiên là rổ 8 đồng tiền có quan hệ đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, bao gồm USD, Euro, NDT, Yen Nhật, đô la Singapore, đồng Won, đô la Đài Loan và bạt Thái. Trong 8 đồng tiền thì có 7 đồng tiền giảm giá, chỉ đồng Yên là lên giá. Chính vì vậy, VND bị mất giá theo, kéo theo tỷ giá VND/USD bị áp lực tăng giá. Yếu tố thứ 2 là cân đối vĩ mô. Do vấn đề lạm phát giảm, CPI giảm cùng với các DNXK gặp khó khăn, dẫn đến nhiều khả năng nhập siêu. Vì thế, việc cân đối vĩ mô trở nên khó khăn hơn, càng khiến cho tỷ giá VND tăng.
Thứ 3, hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, cầu tín dụng sẽ bị giảm theo độ giảm cầu hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, kéo theo lợi nhuận của ngân hàng giảm do trên 80% lợi nhuận ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng. Lãi suất huy động vốn cũng có nguy cơ tăng vì nhiều khả năng, người dân sẽ rút tiền để mua vàng, đầu cơ USD. Điều này tạo ra áp lực cho ngân hàng khi bị giảm huy động vốn, kéo theo lãi suất huy động tăng để thu hút nguồn vốn.
Thứ 4, hoạt động kinh doanh của DN khác như: DN nhập khẩu, thương mại dịch vụ,... cũng sẽ bị tác tác động theo chiều hướng tiêu cực. Trước tình hình trên, TS Bùi Quang Tín cho rằng chính sách điều hành của Chính phủ cần phải thay đổi phù hợp với diễn biến mới, đặc biệt là chính sách tiền tệ, chính sách xuất khẩu… Với những chính sách đang triển khai như Nghị quyết 35, dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thực hiện mạnh mẽ và nhanh hơn.