Chứng khoán châu Âu chao đảo vì tình hình Hy Lạp

Những quan ngại về khả năng Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới đã làm rung chuyển thị trường châu Âu trong ngày 5/1, khiến giá các cổ phiếu trong khu vực giảm mạnh.

Cụ thể, chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Hy Lạp đã giảm hơn 5%, trong khi các thị trường Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha) và Milan (Italy) giảm hơn 3%. Chỉ số DAX 30 Frankfurt (Đức) cũng giảm 2,99% và chỉ số FTSE 100 London (Anh) giảm hơn 2%. Đồng euro vẫn chịu sức ép mất giá kể từ khi xuất hiện tin đồn rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ mua trái phiếu chính phủ trong khu vực để đối phó nguy cơ giảm phát.

Chuyên gia phân tích Kash Kamal tại Trung tâm Nghiên cứu Sucden, cho rằng thị trường chứng khoán châu Âu phải chịu áp lực mới vì những quan ngại về tình hình chính trị tại Hy Lạp và đồng euro mất giá khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất an.

Chứng khoán Mỹ cũng mất giá thảm hại trong ngày 5/1. Ảnh: AP.


Tạp chí "Tấm gương" của Đức dẫn các nguồn tin chính phủ nước này cho rằng việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone là "điều không thể tránh khỏi" nếu đảng cấp tiến cánh tả Syriza chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn dự kiến vào ngày 25/1 tới. Đảng Syriza từng tuyên bố nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, họ sẽ chấm dứt các chương trình chi tiêu khắc khổ mà chính phủ hiện nay đang theo đuổi theo cam kết với các chủ nợ quốc tế.

Tuy nhiên, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble đều cho rằng sự ra đi của Hy Lạp khỏi khu vực đồng tiền chung là "có thể kiểm soát được".

Lạm phát ở Đức giảm mạnh


Theo số liệu Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatic) công bố ngày 5/1, lạm phát ở đầu tàu kinh tế châu Âu này trong tháng 12 vừa qua đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, làm gia tăng những đồn đoán rằng ECB có thể hành động nhiều hơn để ngăn chặn nguy cơ giảm phát.

Destatic cho biết lạm phát trong tháng 12 năm ngoái đã giảm chỉ còn 0,2% trên cơ sở cả năm so với 0,6% trong tháng trước đó. Như vậy, tỷ lệ lạm phát trung bình cả năm 2014 của Đức dừng ở 0,9%. Điều này làm dấy lên những quan ngại rằng giá cả trong toàn Eurozone sẽ giảm, đẩy khu vực này vào tình trạng giảm phát.

Theo các nhà phân tích, nếu lạm phát trong toàn Eurozone trở nên tiêu cực, ECB có thể buộc phải sử dụng những biện pháp mạnh hơn như nới lỏng định lượng (QE), tức là mua trái phiếu chính phủ với khối lượng lớn.

Chỉ số chứng khoán Mỹ mất điểm lớn nhất trong nhiều tháng

Ngày 5/1, thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2015 với sự mất giá thảm hại nhất trong nhiều tháng qua của các chỉ số chứng khoán chủ lực. Nguyên nhân chính dẫn tới việc các nhà đầu tư bán tháo tài sản là do tâm lý lo ngại trước việc giá dầu thô tiếp tục lao dốc.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn số liệu từ sàn giao dịch New York cho biết trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất giá 325,27 điểm, tương đương với 1,82%, xuống còn 17.507,72 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 và chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite cũng lần lượt mất giá 1,8% và 1,47%.

Như vậy, riêng trong ngày 5/1, chỉ số Dow Jones và chỉ số Standard & Poor 500 bị mất giá thảm hại nhất trong vòng ba tháng qua.

Trao đổi với báo giới, ông Matthew Kaufler, nhà quản trị của công ty Federated Investors, cho biết tuyên bố cùng ngày của Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras nói rằng chiến dịch tranh cử hiện nay có thể dẫn tới kết quả là nước này sẽ rút khỏi Liên minh châu Âu, nếu đảng Syriza giành chiến thắng, đã khiến giới đầu tư lo ngại về tình hình khu vực đồng euro và buộc họ phải bán tháo tài sản.

Cổ phiếu của các công ty dầu khí lớn của Mỹ như ExxonMobil và Chevron trong ngày tiếp tục giảm mạnh, trung bình 4,29%, do giá dầu thô tại thị trường Mỹ tiếp tục đà lao dốc.

Tại thị trường hàng hóa New York, giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ trong ngày giảm 2,65 USD, xuống còn 50,04 USD/thùng trong khi giá dầu Brent cũng giảm 3,31 USD, xuống mức 53,11 USD/thùng.

Diễn biến thị trường trên trái ngược với kết quả kinh doanh năm 2014, theo đó các chỉ số chứng khoán Mỹ được đánh giá đã gặt hái lớn. Tính đến hết năm 2014, chỉ số Dow Jones tăng giá tổng cộng 7,5%, Standard & Poor 500 tăng hơn 11% và Nasdaq tăng 13,4%.

Đây là năm thứ sáu liên tiếp các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng giá, đồng thời là năm thứ ba liên tiếp chỉ số Standard & Poor 500 tăng giá và duy trì được mức hai con số.


TTXVN/Tin Tức

Chứng khoán 2015 dự báo khởi sắc
Chứng khoán 2015 dự báo khởi sắc

Theo nhận định của VinaCapital, chỉ số VN Index tăng trưởng khả quan trong năm 2014, đạt khoảng 620 - 650 điểm và sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2015. Nhận định lạc quan này đến từ sự đánh giá môi trường đầu tư đã cải thiện đáng kể, lạm phát tăng thấp, lãi suất giảm, chi phí doanh nghiệp giảm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN