Chưa yên tâm với giá hàng Tết giảm

Giá cả hàng hóa ổn định từ trước tới sau Tết. Thậm chí đến thời điểm này, nhiều mặt hàng đã giảm giá đến 10% so với ngay sau Tết. Theo các chuyên gia, tín hiệu này không chỉ là điều đáng mừng mà còn tiềm ẩn những mối lo.


Diễn biến trái quy luật


Trái ngược với tình trạng “đội giá” của hàng hóa sau Tết như các năm trước, đặc biệt là nhóm thực phẩm, năm nay tình trạng này đã không xảy ra. Mọi năm, cứ trước và sau Tết, hầu hết các mặt hàng thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, tôm cá... đều tăng giá từ 1,5 đến 2 lần thì trong dịp Tết Giáp Ngọ này, giá cả các mặt hàng trên hầu như không thay đổi. Tại các thành phố lớn, đa phần các mặt hàng có xu hướng giảm giá, nhất là nhóm rau xanh và hàng tiêu dùng thiết yếu mang tính thời vụ cao.

Tết năm nay, hàng hóa tại các siêu thị rất dồi dào nhưng sức cầu khá ảm đạm. Ảnh: Hoàng Dương


Khảo sát của phóng viên Tin Tức tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, sau Tết tuy nguồn hàng dồi dào, giá rẻ nhưng sức mua khá ảm đạm. Chị Nguyễn Thanh Bình, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thái Thịnh (Hà Nội) than thở: “Tôi mở hàng từ mùng 4 Tết nhưng đến nay vẫn rất vắng khách”.


Theo ghi nhận của phóng viên, nếu như ngày mùng 3 Tết, giá thịt lợn thăn là 150.000 đồng/kg, nạc vai 130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 90.000 đồng/kg, sườn non khoảng 120.000 đồng/kg thì đến ngày mùng 6 Tết giá đã hạ nhiệt từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Còn đến nay, giá thịt lợn, thịt bò thăn ở Hà Nội giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với ngày mở bán hàng sau Tết, các loại rau khác cũng giảm giá khoảng 1.000 - 3.000 đồng/kg.


Tại hệ thống siêu thị BigC, giá cả trong và sau Tết ổn định, không có biến động đáng kể. Sức mua hiện nay tập trung chủ yếu ở nhóm hàng thực phẩm tươi sống. BigC dự báo, phải sau Rằm tháng Giêng, sức mua mới trở lại bình thường và phân bố đều ở khắp các ngành hàng. Còn tại các siêu thị khác như Lotte, Maximark… (TP Hồ Chí Minh), dù lượng khách tới mua sắm tăng nhưng sức tiêu thụ hàng hóa không cao.


Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận hiện tượng “đáng ngạc nhiên” này ở cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Theo TS Phong, nhìn nhận ở chiều hướng tích cực, việc giảm giá hàng hóa như trên là do có sự tăng nguồn cung bền vững của các doanh nghiệp nhờ năng suất và sản lượng tăng, cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, phát triển hệ thống phân phối và mở rộng khuyến mãi với mục tiêu có lợi cho người tiêu dùng.


“Tuy vậy, hiện tượng giảm giá sẽ trở nên bất thường khi đó là do sự suy giảm sức mua xã hội gây hiện tượng giảm phát, làm mất động lực kinh doanh xã hội. Giảm giá kiểu này thì không tốt cho sản xuất và đời sống nói chung”, TS Nguyễn Minh Phong lưu ý.

Cũng theo ông Phong, việc giảm giá sau Tết năm nay dù bất thường về xu hướng so với các Tết trước, nhưng là bình thường về cả phía cung và cầu. Một mặt, việc giảm giá hiện nay ít nhiều phản ánh thực tế sức mua thị trường còn yếu trong khi kinh tế còn khó khăn, thu nhập hạn chế, người dân vẫn còn giữ tâm lý chi tiêu thận trọng. Hơn nữa, tâm lý mua sắm tích trữ đồ ăn ngày Tết đang giảm dần nên chi tiêu dịp Tết của người dân giảm hơn trước. Mặt khác, hệ thống siêu thị, chợ dân sinh ngày càng mở rộng quy mô, lại tích cực mở cửa hoạt động sớm, giảm giá nhiều hơn cho người mua. Một lí do khác là thị trường Trung Quốc đủ cung nên không sang thu gom hàng hóa, nguyên liệu của Việt Nam nhiều như các năm trước.


Lo ngại sức mua giảm


Kết thúc tháng 1/2014, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dù là tháng cao điểm nhất về mua sắm nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước chỉ tăng 0,69% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Tết năm 2014, theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, sức tiêu thụ tại siêu thị chỉ bằng 85% so với Tết năm 2013.


“Theo quy luật, tháng 1 hằng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao nên giá cả thường nhích lên. Tuy nhiên, với diễn biến CPI tháng Tết chỉ tăng nhẹ, có thể thấy sức mua thị trường vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng. Thực tế, dù giá lương thực, thực phẩm tăng nhưng chỉ số giá dịch vụ ăn uống chỉ tăng hơn 0,3% là một trong những dấu hiệu cho thấy người dân đang dè dặt và thận trọng chi tiêu”, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết.


Theo nhận định của Bộ Tài chính, giá cả thị trường tháng 2/2014 sẽ tăng so với tháng 1. Các tháng tiếp theo, thị trường có xu hướng ổn định hoặc tăng nhưng không đáng kể. Sức mua sẽ vẫn tiếp tục là ẩn số khó đoán đối với nhiều nhà sản xuất, phân phối lưu thông hàng hóa. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, sức mua suy giảm, thị trường trầm lắng cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.


Hoàng Dương - Lê Nghĩa - Thu Hồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN