Chưa hết lo chất lượng tôm giống

Chiếm vị trí quan trọng trong ngành xuất khẩu thuỷ sản, con tôm đã đem lại cơ hội đổi đời cho nhiều người. Tuy nhiên, chất lượng tôm giống hiện thiếu sự kiểm soát chặt chẽ đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng và thu nhập của nhà nông.

Nhu cầu nhiều…

Theo số liệu của ngành thủy sản, cả nước có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất tôm giống nước lợ; trong đó hơn 75% cơ sở sản xuất giống tôm sú, số còn lại là cơ sở tôm thẻ chân trắng. Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm tập trung ở các tỉnh Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Nghệ An... Nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống chủ yếu từ 3 nguồn: đánh bắt tự nhiên, nhập khẩu và sản xuất trong nước, trong đó con tôm thẻ chân trắng chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Thái Lan, Singapore...

"Với diện tích nuôi tôm nước lợ của nước ta khoảng 6.000 ha, hàng năm nhu cầu con giống lên đến hơn 130 tỷ con, bao gồm 100 tỷ con tôm giống thẻ chân trắng và 30 tỷ con giống tôm sú. Nguồn tôm bố mẹ chúng ta đang phụ thuộc từ nhập khẩu và một phần khai thác từ tự nhiên nên chưa đáp ứng được nhu cầu tôm giống trên cả nước. Việc phải phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu đang làm ảnh hưởng lớn đến lợi thế cạnh tranh trên thị trường đối với sản phẩm tôm", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định.

Quyết định đến 50% hiệu quả của nuôi tôm nhưng chất lượng con tôm giống vẫn còn gây nhiều lo lắng cho nhà nông.

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm, bà con ở các vùng luân canh theo mô hình lúa - tôm tất bật bắt đầu vào mùa nuôi tôm càng xanh để thu hoạch bán trước Tết. Sau đó đến thời điểm tháng 9 tại những địa phương chuyên canh nuôi tôm càng xanh nhà nông lại rục rịch thả giống để kịp cho vụ thu hoạch năm sau. Đây là thời điểm các cơ sở sản xuất tôm giống bắt đầu bán giống cho khách hàng. Khảo sát của phóng viên thời điểm cuối tháng 8 này, con giống tôm càng xanh đang hút hàng.

“Nguồn cung eo hẹp và điều đáng lo là chất lượng tôm càng xanh giống rất khó đảm bảo. Nguyên nhân do hầu hết con giống phải nhập, lại vận chuyển qua đường tiểu ngạch nên rất dễ gây rủi ro cho người nuôi. Trong khi đó, thị trường tôm càng xanh giống thiếu những cơ sở sản xuất có uy tín, được kiểm dịch, kiểm soát mầm bệnh ngay từ đầu... Việc quản lý tôm giống chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng không kiểm soát được, tôm giống không rõ nguồn gốc hoặc tôm bị nhiễm bệnh", ông Nguyễn Văn An ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết.

Chưa kiểm soát hiệu quả

Theo các chuyên gia trong ngành, quyết định đến hơn 50% việc thành bại trong nuôi tôm nhưng công tác quản lý chất lượng tôm giống vẫn đang loay hoay với các giải pháp tình thế. Hiện công tác quản lý sản xuất, chất lượng, lưu hành tôm giống hầu hết chỉ dựa vào những văn bản mang tính “chữa cháy” với nhiều kẽ hở. Số cơ sở đầu tư mạnh về quy mô, đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để có tôm giống chất lượng cao chỉ chiếm khoảng hơn 30%, số còn lại đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tạo ra tôm giống đủ kiểu chất lượng. Thậm chí không ít cơ sở, công ty tôm giống nhưng không hề sản xuất giống mà đi thu mua tôm giống sau đó bán lại kiếm lời. Chính điều này đã tạo ra một thị trường tôm giống bát nháo, gây nhiều khó khăn cho các ngành chức năng.

Tại hội nghị về quản lý tôm giống được tổ chức mới đây tại tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng thời gian tới ngành thủy sản cần tập trung vào chất lượng, tiêu chuẩn tôm giống; nghiên cứu con giống giúp chủ động nguồn giống trong nước, cũng như có quy trình kiểm dịch chất lượng con giống, tăng cường kiểm soát nguồn tôm giống đảm bảo sạch bệnh…

Ngành nông nghiệp sẽ có những quy định về nhập khẩu tôm giống bố mẹ cũng như các điều kiện nghiêm ngặt trong tổ chức sản xuất con giống nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu và tạo nguồn giống chất lượng cho người nuôi. Chiến lược cho con giống thủy sản nói chung trong đó có con tôm sẽ được quan tâm, đầu tư đúng mức góp phần đáp ứng những yêu cầu bức thiết của người nuôi và cũng là giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản. “Riêng các địa phương cần thực hiện đồng bộ những giải pháp kiểm soát chất lượng tôm giống, trong đó chú trọng tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, cũng như tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ cho phát triển nuôi tôm bền vững", ông Cường nhấn mạnh.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xem xét đưa con tôm thành sản phẩm chủ lực quốc gia, từ đó đề ra những chiến lược hành động mang tính đột phá, xây dựng phát triển ngành công nghiệp tôm. Tổng cục Thủy sản sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chương trình tổng thể về phát triển tôm nước lợ tại Việt Nam, hướng tới ngành công nghiệp tôm có giá trị kinh tế cao, nâng cao chất lượng tôm giống, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Cà Mau thiếu tôm giống sạch
Cà Mau thiếu tôm giống sạch

Nhu cầu tôm giống của tỉnh Cà Mau mỗi năm khoảng 19 tỷ con tôm sú và 8,5 tỷ con tôm thẻ chân trắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN