Chú trọng kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu

Tháng 2, thị trường hàng hóa trong nước ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước so với tháng 1 tăng 1,37%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương diễn ra ngày 5/3, tại Hà Nội về tình hình sản xuất kinh doanh tháng 2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho rằng, CPI tăng thấp nhưng vẫn không thể chủ quan với lạm phát. Để kiểm soát lạm phát thì phải chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu và giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là giá gas, giá sữa.

Không chủ quan với lạm phát

Mặc dù CPI tháng 2 không cao như quy luật những năm trước nhưng theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), vẫn không thể chủ quan với lạm phát, vì trong 3 tháng liên tiếp gần đây, CPI có xu hướng tăng. Đáng chú ý, do ảnh hưởng của lạm phát nên nhu cầu tiêu dùng trong nước có xu hướng giảm sút. Tháng 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 186.463 tỷ đồng, giảm 3,79% so với tháng 1/2012. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm 2012, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng tiêu dùng chỉ còn 4,4%, đây là mức thấp so với các năm thông thường.

Khách mua thực phẩm tại một cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


Theo ông Võ Văn Quyền, tổng mức lưu chuyển hàng hóa 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng dương là điều đáng khích lệ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tiêu dùng của cá nhân đang co lại, tập trung nhiều cho những mặt hàng thiết yếu nên sức mua trên thị trường đang có chiều hướng giảm. “Mặc dù tiêu dùng giảm chưa ở mức báo động nhưng cũng cảnh báo các nhà chức trách cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Để thị trường trong nước đảm nhiệm được vai trò trụ cột, đảm bảo cho sự ổn định kinh tế vĩ mô, các cơ quan quản lý phải có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, từ sản xuất đến phân phối và tiêu thụ”, ông Quyền đề xuất.

Theo ông Quyền, các DN bán lẻ hiện đại không được tiếp cận cơ sở hạ tầng đất đai nên gặp rất nhiều khó khăn. Nếu người cho thuê tăng giá và rút ngắn thời hạn thuê nhà thì buộc DN phải đóng cửa kinh doanh. Nhưng những cơ sở phải đóng cửa chỉ là cá biệt, còn lại, các DN phân phối như Fivimart, Hapro... vẫn kinh doanh hiệu quả và là kênh bình ổn thị trường tốt. Thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng cần có giải pháp ưu đãi cho những DN phân phối về các chính sách đất đai, tín dụng để hệ thống phân phối bán lẻ có đất phát triển tốt, đóng góp tích cực cho sự ổn định của thị trường trong nước.

Kiểm soát chặt các loại hàng hóa thiết yếu

Gần đây, Vụ Thị trường trong nước đã nhận được thông tin về hiện tượng một số điểm kinh doanh xăng dầu dừng bán hoặc xin tiết giảm thời gian bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, ông Quyền khẳng định, các DN đầu mối vẫn gặp nhiều khó khăn do giá bán lẻ hiện thấp hơn cơ sở. Trong khi đó, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu lại phải cân nhắc để vừa đảm bảo theo giá thị trường, vừa phù hợp với chính sách kinh tế vĩ mô và không gây tác động lớn tới an sinh xã hội. Bộ Công Thương vẫn theo dõi chặt chẽ để đảm bảo các DN vẫn nhập khẩu xăng dầu đúng định mức, đáp ứng lưu thông đủ 30 ngày.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu (giá, chi phí lưu thông, hoa hồng đại lý...) phù hợp với tình hình thực tế; Rà soát chính sách, pháp luật về quản lý từ nhập khẩu đến sản xuất, lưu thông các hóa chất là phụ gia, dung môi hòa tan vào xăng nhằm hạn chế tối đa việc gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Theo Bộ Công Thương, việc tăng giá gas, giá sữa trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức tiêu thụ của người dân: Giá gas tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại bếp điện, bếp khác, kéo theo tình trạng gas chiết lậu, gas giả, kém chất lượng. Giá sữa tăng, người tiêu dùng ở một số vùng nông thôn giảm lượng sữa sử dụng hoặc chuyển sang các loại sữa có giá thấp hơn nên hoạt động kinh doanh của các đại lý, cửa hàng kém sôi động hẳn.

Do đó, để kiểm soát mặt hàng gas, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là chiết nạp gas lậu, vi phạm về giá trong kinh doanh gas để lập lại trật tự thị trường gas, đáp ứng quyền lợi người tiêu dùng. Bộ cũng nghiên cứu, phối hợp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam và doanh nghiệp kinh doanh LPG đầu mối về chính sách tỷ giá ngoại tệ phục vụ nhập khẩu gas, về vấn đề đấu giá gas sản xuất nội địa theo hướng cạnh tranh, minh bạch. Riêng đối với mặt hàng sữa, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, do giá sữa ngoại đã tăng từ 5 - 15% nên các lực lượng quản lý thị trường sẽ vào cuộc để kiểm tra việc thực hiện bán theo giá đã đăng ký với các cơ quan chức năng.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN