Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh cho biết, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Nam Định được thực hiện theo hướng ưu tiên các dự án lớn, trọng điểm, có tính kết nối và tác động liên vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành đã có quyết định quyết toán, các dự án hoàn thành chưa có quyết định quyết toán, sau đó mới bố trí cho các dự án chuyển tiếp, khởi công mới theo khả năng cân đối vốn.
Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Nam Định được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua là trên 9.049 tỷ đồng, bao gồm hơn 4.649 tỷ đồng vốn Trung ương giao và 4.400 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, ước tính kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 năm 2024 đạt 121,8 % kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nếu so với kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua thì kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 60,8% kế hoạch, tương đương khoảng 5.663,113 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân là 243,952 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương giải ngân là 5.419,161 tỷ đồng. Với kết quả này, tỉnh Nam Định đang nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Đỗ Ngọc Hoà, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, để giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công, tỉnh Nam Định đã thành lập các tổ công tác theo dõi, đôn đốc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các địa phương, đơn vị, đánh giá thường xuyên tỷ lệ giải ngân của từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án ODA, các dự án có kế hoạch được bố trí vốn lớn. Nhờ đó, các khó khăn, vướng mắc phát sinh đã được xử lý kịp thời.
Đến nay, các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn đều thực hiện đảm bảo chất lượng và tiến độ. Các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đã thường xuyên theo dõi, rà soát để kịp thời hướng dẫn, báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đầy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các thủ tục về thanh, quyết toán để giải ngân các dự án đã được bố trí vốn, hạn chế tối đa các vấn đề chậm xử lý trong quản lý và thực hiện dự án.
Theo ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định, tại các dự án trọng điểm của tỉnh như giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Bệnh viện Đa khoa tỉnh… các nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã thi công được trên 80% khối lượng công việc theo hợp đồng; dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đã thi công được trên 50% khối lượng công việc; dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến nay đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc. Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (Thành phố Nam Định) giá trị khối lượng thi công đạt 73% giá trị hợp đồng… Đối với các công trình có khối lượng công việc đã hoàn thành, việc nghiệm thu, quyết toán cũng được hoàn tất theo đúng quy định.
Để hoàn thành tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, tỉnh Nam Định cũng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định, các huyện, thành phố tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu tăng cường bố trí phương tiện, máy móc tổ chức tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ; thường xuyên cử cán bộ có mặt tại công trường giám sát chất lượng công trình trong quá trình thi công.
Cùng với đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành; Sở Tài chính đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán.