Chuyến thăm, làm việc nhằm tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác, đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước, thiết thực góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương sau một thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Tham gia đoàn còn có Trưởng Bộ phận Thương vụ, Tùy viên Quốc phòng và đại diện Cơ quan thường trú TTXVN tại Nam Phi.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã có các buổi làm việc với các cơ quan tư vấn chính sách và kết nối doanh nghiệp, các tập đoàn, công ty có nhu cầu hoặc kinh nghiệm làm ăn, buôn bán với thị trường Việt Nam.
Trong trao đổi với Phòng Thương mại Nelson Mandela Bay (NMBBC), tỉnh Eastern Cape và Phòng Thương mại và công nghiệp Cape, tỉnh Western Cape, Đại sứ Hoàng Văn Lợi nhấn mạnh tiềm năng của thị trường Việt Nam với dân số hơn 95 triệu người, tầng lớp trung lưu ngày một lớn mạnh và là một trong những nền kinh tế năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á. Nam Phi là quốc gia đầu tiên và duy nhất tại châu Phi mà Việt Nam thiết lập quan hệ “đối tác vì hợp tác và phát triển” và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở lục địa. Việc Nam Phi ký kết văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á ngày 10/11 vừa qua và Khu vực mậu dịch tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 mở ra triển vọng lớn và đầy tiềm năng cho hợp tác kinh tế-thương mại giữa Nam Phi với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như với Việt Nam.
Bà Nomkhita Mona, Giám đốc điều hành (CEO) của NMBBC, cho rằng tỉnh Eastern Cape có những thế mạnh về các cảng biển lớn như Port Elizabeth và East London chuyên về xuất khẩu hàng tiêu dùng, ô tô,... tiềm năng nông nghiệp, nhất là giống vật nuôi như cừu Karoo, dê, đà điểu,... và du lịch với Garden Route - một trong những tuyến du lịch nổi tiếng và được yêu thích nhất tại Nam Phi nối 2 tỉnh Eastern Cape và Western Cape.
Hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác vì lợi ích chung và của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ lẫn nhau trong cung cấp, trao đổi thông tin về thương mại và xuất khẩu, giới thiệu đối tác. Bà Mona khẳng định NMBBC sẵn sàng đăng tải các thông tin về thị trường và doanh nghiệp Việt Nam trên trang mạng của tổ chức này để cộng đồng doanh nghiệp Nelson Mandela Bay nói riêng và Nam Phi nói chung có điều kiện tìm kiếm đối tác.
Các đại diện của phía Nam Phi sẵn sàng phối hợp với các đối tác Việt Nam tổ chức, tham dự các hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến để giới thiệu thị trường sở tại, tìm hiểu thị trường Việt Nam, cũng như tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hợp tác, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, thiết lập quan hệ và ký kết biên bản ghi nhớ giữa các phòng thương mại Nam Phi với Đại sứ quán Việt Nam, cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Được thành lập từ năm 1804, Phòng Thương mại và Công nghiệp Cape (CCCI) là tổ chức chuyên sâu được thành lập sớm nhất ở châu Phi. Chủ tịch CCCI Jenine Myburg đánh giá rất cao nỗ lực và sự chủ động của Đại sứ quán Việt Nam thông qua hình thức kết nối với các phòng thương mại và doanh nghiệp địa phương Nam Phi.
Bà Myburg cho rằng trên cơ sở kết quả buổi làm việc, 2 bên sẽ cụ thể hóa các lĩnh vực cần hợp tác trong thời gian tới nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, tập trung vào những mặt hàng, lĩnh vực 2 bên có nhu cầu hoặc thế mạnh.
Đại diện CCCI khẳng định trong phiên họp với các thành viên vào đầu tháng 12 tới, CCCI sẽ thông báo cho các thành viên về kết quả buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam và sự thống nhất giữa 2 bên về hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Nam Phi có nguyện vọng hợp tác, đầu tư tới Việt Nam.
Đoàn xúc tiến thương mại đã làm việc trực tiếp với Công ty Karoo Livestock Exports (KLE), chuyên về xuất khẩu giống vật nuôi như cừu Karoo, dê Boer, đà điểu, nhiều loại gia súc và động vật hoang dã khác. KLE đã vươn tới 39 thị trường nước ngoài, trong đó có Thái Lan, Bangladesh, Pakistan,... Các hoạt động xuất khẩu giống vật nuôi của KLE thực hiện trên cơ sở các quy định kiểm dịch chặt chẽ, khảo sát sự thích ứng của vật nuôi với môi trường sống mới.
Trưởng Bộ phận Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi Đào Mạnh Đức cho rằng đây là những giống vật nuôi có khả năng chống chịu với điều kiện khí hậu khô cằn, có thể phù hợp với điều kiện thời tiết và môi trường khắc nghiệt tại tỉnh Ninh Thuận của Việt Nam.
Ngoài ra, Đoàn cũng làm việc với Tập đoàn Rhodes Food Group (RFG) chuyên về thực phẩm, rau quả đóng hộp. Kinh nghiệm của RFG trong tiếp cận thị trường Việt Nam là kinh nghiệm quý cho doanh nghiệp 2 nước. Khởi điểm thâm nhập thị trường Việt Nam cách đây 5 năm, RFG đã tăng sản lượng xuất khẩu từ mức 1 container trong năm đầu tiên lên 100 container hiện nay.
Giám đốc thương mại của RFG John Uys cho biết sau thời gian dài phụ trách thị trường đầy tiềm năng và một mình đến "dải đất hình chữ S" nhiều lần, ông sẽ đưa gia đình đến thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp và tự lái xe dọc đất nước để khám phá, nghiên cứu sâu hơn thị trường và thuyết phục người tiêu dùng Việt vốn chuộng rau quả tươi về những sản phẩm RFG có thế mạnh, từ đào quả đóng hộp, nước ép hoa quả đến salad rau quả dạng si-rô dành cho trẻ em.
Đại diện của RFG đề nghị Việt Nam - Nam Phi cần thúc đẩy hiệp định thương mại tự do để các doanh nghiệp 2 nước được hưởng các ưu đãi về thuế và có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận thị trường của nhau trước sự cạnh tranh gay gắt của bên thứ 3.
Làm việc với công ty Reutech Radar Systems thuộc Tập đoàn Reunert, kinh doanh đa ngành, ứng dụng cả trong lĩnh vực quốc phòng và dân sự, Đoàn công tác đã được giới thiệu về ứng dụng công nghệ ra-đa vào dự đoán nguy cơ sập hầm mỏ trong lĩnh vực khai khoáng tại Nam Phi, ứng dụng công nghệ ra-đa trong phòng chống săn bắn trộm động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Kruger, phòng chống đánh bắt hải sản phi pháp thông qua giám sát tín hiệu dẫn đường của tàu thuyền (ngay cả khi các tàu tắt thiết bị định vị). CEO Harald Bielfeld ghi nhận đề nghị của phía Việt Nam về khả năng ứng dụng công nghệ ra-đa trong dự báo nguy cơ sụt lở bùn đất, vốn đang rất cần thiết tại Việt Nam.
Tham tán Thương mại Đào Mạnh Đức cho rằng người tiêu dùng Việt Nam có quyền hưởng những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn. Do đó, thúc đẩy việc nhập khẩu nhiều mặt hàng Nam Phi có thế mạnh như thịt bò, nho, cam quýt, rượu vang,... sẽ mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người Việt. Phía Việt Nam tiếp tục tìm kiếm hướng thâm nhập thị trường cho các sản phẩm Việt Nam có thể mạnh như cà phê, hạt tiêu, gạo, hàng may mặc, đồ điện tử,... cũng như hợp tác trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, hướng tới quan hệ hợp tác, thương mại, đầu tư có lợi cho cả 2 bên. Thời gian tới, Thương vụ sẽ tìm hướng thúc đẩy kết hợp du lịch doanh nhân với tìm hiểu thị trường giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Với kết quả đạt được rất tích cực và cụ thể của chuyến đi, nhất là việc thống nhất các biện pháp tăng cường phối hợp, hợp tác và kết nối với NMBCC và CCCI, Đại sứ Hoàng Văn Lợi cho rằng đây sẽ là cơ sở để Đại sứ quán cụ thể hóa phương hướng và chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư và du lịch giữa hai nước năm 2021 và các năm tiếp theo.
Trong khuôn khổ chuyến đi, Đoàn công tác đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với bà con người Việt và vợ/chồng là người nước ngoài đang cư trú, làm ăn tại Port Elizabeth, Cape Town. Đại sứ Hoàng Văn Lợi đã thăm hỏi tình hình cuộc sống và công việc của bà con, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19, động viên bà con phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ và tương trợ lẫn nhau; tích cực lao động, học tập, chấp hành tốt pháp luật sở tại và pháp luật Việt Nam, qua đó đóng góp thiết thực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nam Phi.